Nhiều bạn trẻ thường than bị đau mỏi lưng, vai, gáy, trong khi bệnh này thường chỉ thấy ở những người lớn tuổi. Trên trang The Healthnews, các bác sĩ cho biết vấn đề sức khỏe trên xảy ra ở mọi lứa tuổi, khi người đó có chế độ sinh hoạt không lành mạnh.
Để khắc phục những bệnh này, teen nên lưu ý:
1. Tránh mang vác nặng
Khi nâng, vác hoặc đeo một vật nặng, cơ thể con người có xu hướng cúi nghiêng làm cho các dây chằng bị giãn ra làm tổn thương cột sống.
teen-jpg-1355719752_500x0.jpg
Teen cần lưu ý tập thói quen sinh hoạt lành mạnh để cơ thể phát triển tối ưu. Ảnh: HN.
Teen và cha mẹ không nên coi thường vấn đề này, bởi ngay cả việc đeo cặp nặng sách cũng là nguyên nhân khiến bạn đau lưng, ảnh hưởng đến khả năng tập trung học hành.
Một nghiên cứu đã cảnh báo, tình trạng đeo cặp không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây đau lưng cho trẻ ở độ tuổi đến trường. Vì thế phụ huynh được khuyên không nên cho trẻ đeo cặp nặng hơn 15% cơ thể. Cho trẻ đeo ba lô hoặc cặp có bánh xe kéo (thay vì túi chéo lưng) sẽ giúp cân bằng hai vai.
Khi cần thiết phải nâng vật nặng thì tư thế an toàn nhất là ngồi xổm, mặt đối diện với vật. Giữ cho lưng thẳng, sử dụng sức mạnh của đôi chân và đôi tay để nâng vật hơn là vận động cột sống.
2. Không nên đi giày cao gót quá 5 cm
Các bác sĩ khuyên, không những teen mà cả người lớn chỉ nên đi giày cao từ 3 đến 4 cm. Giày dép có đế quá bằng hoặc quá cao đều không tốt. Khi đi giày đế bằng, trọng lượng cơ thể sẽ dồn hết lên cột sống, lâu dài sẽ gây đau lưng. Còn việc mang giày cao gót sẽ làm thay đổi tư thế tự nhiên của cơ thể theo hướng tăng áp lực lên mắt cá chân, bàn chân và các khớp xương đầu gối, làm tăng nguy cơ gây bệnh viêm xương khớp.
3. Đừng ngồi một chỗ nhiều
Việc ngồi một chỗ khiến cho máu lưu thông kém. Máu và ôxy không bơm xuống đều các cơ cũng dẫn đến tình trạng đau lương, mỏi vai. Vì thế teen được khuyên, cứ 45 đến 50 phút học thì cần phải giải lao. Chẳng phải vì thế mà nhà trường quy định mỗi tiết học chỉ từ 45 phút đó sao? Quan trọng nhất là trong giờ nghỉ không nên ngồi một chỗ mà đi lại, lắc lưu, vận động cơ thể. Và trong lúc đứng hoặc đi lai nên chia đều trọng lượng lên cả hai chân để máu lưu thông tốt.
4. Tư thế ngồi
Teen đang ở tuổi đi học nên thường ngồi học bài nhiều. Tư thế ngồi học không đúng sẽ là cho cột sống bị lệch trục. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ gù lưng, vẹo cột sống bởi xương của teen còn non nớt lắm. Hơn nữa ngồi không đúng cách còn làm cho một số vùng cơ bị kéo căng, gây đau, mỏi.
Để có tư thế ngồi đẹp, bạn cần lưu ý chọn một chiếc bàn và ghế có chiều cao tương xứng với cơ thể để khi ngồi vào cảm thấy thoải mái. Tốt nhất nên chọn loại mặt bàn hơi dốc về phía người ngồi một chút. Khi ngồi, đầu và thân thẳng, lưng tựa vào thành ghế, mắt nhìn lên mặt bàn, hai chân vuông góc mặt đất, hai vai mở rộng, hơn ưỡn ngực về phía trước. Không nên ngồi vắt chéo chân vì dễ gây chèn ép cơ, ảnh hưởng đến lưu thông máu.
5. Bổ sung canxi và các vitamin
Tuổi teen là một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình phát triển về tâm sinh lý của con người. Vì có những biến đổi lớn lao về thể chất nên trẻ ở tuổi này cần phải được cung cấp đầy đủ vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể phát triển tối ưu. Cụ thể teen nên bổ sung vào khẩu phần ăn các loại thực phẩm giàu chất: Magie, phospohre, kali, vitamin C, D và đặc biệt là canxi tốt cho sự hoàn thiện của khung xương.
6. Chọn giường ngủ không quá cứng cũng không quá mềm
Nằm giường cứng khiến cho một số vùng ở lưng bị chèn ép, còn giường nệm quá mềm sẽ làm cho cột sống bị võng xuống, gây cảm giác mệt mỏi và đau lưng. Khi ngủ, không nên nằm nghiêng hoặc úp mà nên nằm ngửa để các cơ được co giãn thoải mái. Nên kê đầu bằng gối mềm và không quá cao.