Xúc xích Munich Tôi còn quay lại ủng hộ nhà hàng Thái này một lần nữa, trước khi bắt đầu hành trình khám phá các loại xúc xích Đức nổi tiếng thế giới. Có vẻ như đó là một dự định khá “tham vọng”, vì Đức có hơn 1.500 chủng loại xúc xích khác nhau, mỗi loại một vẻ. Do đó tôi dừng chân lại với lựa chọn kinh điển- xúc xích trắng Weiswurste, được mệnh danh là “nữ hoàng xúc xích xứ Bavaria”, bọc một lớp ruột non mỏng bên ngoài, nướng lửa than chấm tương mustard cay nồng ăn kèm bánh xoắn Pretzel to gần bằng đầu người.
Cầm lòng không được, dù no tôi vẫn gọi thêm một góc lớn đặc sản Blackforest gateau: bánh sôcôla xốp phủ kem dày, trên rải những trái anh đào tươi chín mọng, làm món tráng miệng.
Sau bữa tối ăn tối cuối cùng ở Đức ấy, tôi đi dạo một vòng quanh thành phố hít thở không khí mát dịu, chợt nghe tiếng hát Chris Martin của ban nhạc Coldplay vang lên từ ngôi nhà trong một con phố nhỏ khuất nẻo:
In my place, in my place Were lines that I couldn’t change I was lost, oh yeah I was lost, I was lost Crossed lines I shouldn’t have crossed I was lost, oh yeah Tôi đứng tựa vào bức tường đá bên ngoài ngôi nhà nọ, tự nhiên muốn ứa nước mắt. Lạy trời, lúc đó tôi mới nhận ra “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Đất nước xa xôi vùng núi xứ Alps này không có tiếng cơm sôi, nhưng bài “In my place” (Ở nơi chốn của tôi) vẳng ra từ căn nhà nhỏ có lò sưởi ấm áp kia làm tôi chợt nhận ra tôi muốn về nhà quá. Đã khá lâu tôi không được ăn đồ mẹ nấu, bảy tháng gần đây lại không ăn hột cơm nào…
Tôi ra tiệm Internet gửi mail cho mẹ: “Ngày mai con về Anh lại để chuẩn bị đồ đạc. Tuần sau con về Việt Nam với mẹ luôn”…
10.Ăn Ý Ai cũng thích uống cappuccino ăn kèm bánh tiramisu ở một quán cà phê trên cầu gỗ TTCN – Ẩm thực những vùng khác nhau ở Ý rất dễ phân biệt. Ở miền bắc (Milan, Venice, Bologna, Turin…) thức ăn có xu hướng dẻo như kem và béo hơn, trong khi dân địa phương miền trung (Florence, Perugia, Siena…) dùng rất nhiều dầu ôliu và rau thơm, thức ăn cũng đơn giản, thanh đạm và tươi hơn. Càng về phía nam (Rome, Naples, Catanzaro…), những món ăn Ý càng nóng và cay hơn…
Còn cà phê Ý? Caffè latte là một phiên bản rất giống café au lait của Pháp, cũng sữa nóng đầy ắp những tách lớn, pha ít cà phê đen. Nâng tách lên, khói nghi ngút phả lên mặt khiến tỉnh cả người, rất hợp để trị “hangover” (chứng nhức đầu sau khi uống nhiều thức uống có cồn).
Còn espresso là một thức uống tao nhã, trong một tách nhỏ xíu như chung uống trà của những cụ già VN hay Trung Hoa. Trong tách sóng sánh cà phê đen với lớp bọt mỏng li ti nâu vàng, thơm ngào ngạt, uống muỗng đầu tiên những ai không quen dễ nhăn mặt vì vị đắng đọng lại trong cổ họng, nhưng đến khi hết tách, mùi cà phê thơm lừng còn thoảng qua rất dễ ghiền.
Nhưng có lẽ “quốc hồn quốc túy” của nước Ý vẫn là cà phê cappuccino có mặt ở hàng trăm nước trên thế giới. Khó ai từ chối lời mời đi uống cappuccino ở một trong những quán cà phê vỉa hè ở Ý, có hoa tươi mọc trên cửa sổ, bên một trong những con kênh êm đềm với những ngôi nhà xưa nghiêng mình. Ở đó, thật “đã” khi nhấm nháp tách cappuccino sủi bọt dày, rắc quế xay li ti màu nâu trên mặt, hớp lớp bọt nhuyễn mịn và béo như kem kèm nước cà phê nóng thơm và hơi đắng bên dưới, ăn kèm bánh tiramisu màu nâu sôcôla kẹp những lớp kem mỏng trắng muốt mịn màng.
Quảng cáo bánh mì xứ Verona bằng poster… cô gái Sài Gòn Trên đây chỉ là ba loại cà phê nổi tiếng nhất của Ý, nhưng nếu đã cất công đến nơi này, bạn nên thử những loại khác cũng không kém phần thú vị như caffè corretto có kèm vài giọt rượu cognac, caffè freddo bỏ đá lạnh gợi nhớ cà phê đá Sài Gòn, hay caffè d’orzo có ít cacao mà tôi có dịp uống trong một quán cà phê khuất gần quảng trường lớn ở Verona.
Trên đảo Murano cách trung tâm thành phố Venice nửa giờ đi phà, tôi được thưởng thức món bánh pizza vừa ra lò nóng bỏng tay. Rìa bánh giòn tan nhưng chính giữa lại mềm và dẻo nhờ lớp phó mát tươi, trên phủ những miếng thịt pepperoni đỏ au và mấy trái ôliu xắt lát mỏng. Ăn món này đúng kiểu Ý không phải trong một nhà hàng sang trọng mà phải ngồi bệt xuống chân một trong những cây cầu giữa trời nắng chang chang, gặm pizza gói trong một lớp giấy nâu. Cũng như ăn ốc luộc chấm mắm gừng đúng điệu ở Hà Nội phải ngồi vỉa hè trong con hẻm đầy gió thổi hun hút lạnh lẽo vậy.
Một nhà hàng Ý (trattoria) ở Venice với những ô cửa đầy hoa Nhưng bữa hải sản ở một nhà hàng gần ga Santa Lucia ở Venice thì chỉ có thể miêu tả bằng một từ: hoàn hảo. Hai bên cầu đầy những nhà hàng Ý (ristorante hoặc trattoria) với bàn ghế kê sát con kênh nước chảy loang loáng trong ráng chiều, đầy dân địa phương tóc xoăn tít và ngoại hình rất Ý đang cười nói ồn ào.
Nhà hàng không hề có thực đơn, khách vào không có chọn lựa nào hết vì ai cũng được dọn lên những món như nhau, món nào cũng ngon chết mê chết mệt. Nào sò tươi rói trộn thịt heo băm nhuyễn và rau thơm, nhồi trong vỏ sò xanh to bằng ba ngón tay. Nào bạch tuộc kho đẫm cà chua tươi đỏ.
Nào tôm và mực nang bọc bột chiên giòn.
Tôi thích nhất món gỏi cá nướng than thoảng mùi khói, xé nhỏ trộn thứ nước xốt từ chanh, cà chua và kem. Tất cả được ăn kèm với món bánh polenta vàng ruộm làm từ bắp tươi xay nhuyễn trộn bơ và những thứ gia vị chỉ người Ý mới biết, vừa thơm vừa dẻo, nhấm nháp với rượu vang trắng thật ngon lành. Bữa ăn hết 50 euro cho hai người, có lẽ là phần “xa xỉ” nhất trong suốt chuyến đi đối với túi tiền sinh viên hạn hẹp của chúng tôi, nhưng thật đáng và “có lý” hơn nhiều so với những menu turistico (thực đơn cho khách du lịch) của những nhà hàng gần quảng trường Thánh Marco.
Linguine (1 dạng pasta) Đến Verona cổ kính, nổi tiếng với chuyện tình Romeo và Juliet, buổi tối đầu tiên tôi và ba người bạn sinh viên mới quen ở cùng nhà trọ thanh niên rủ nhau ra quảng trường thành phố, vào một quán ăn đông kín người. Cả ba bạn mới đến Ý ngày đầu tiên nên chọn ngay món pizza, riêng tôi gọi món linguine trộn tôm. Ngồi chờ dài cổ, uống hết mấy ly nước đĩa linguine mới được dọn ra, nhưng khi ăn miếng đầu tiên, tôi tha thứ cho sự chậm trễ ấy ngay lập tức! Đĩa linguine rải những cọng mì vàng nhạt, tươi rói, sần sật trong miệng, thoảng nhẹ mùi trứng, ăn kèm tôm bóc vỏ hồng nhạt trộn xốt và rắc zucchini xanh xắt sợi. Có lẽ đó là món mì Ý ngon nhất tôi từng được ăn trong đời.
Có lẽ sẽ là thiếu sót rất lớn nếu viết về ẩm thực Ý mà quên nhắc đến gelato – món kem Ý béo ngậy, lạnh buốt răng có mặt khắp năm châu. Khách du lịch đến đây ăn kem que nhiều đến nỗi một số cửa hàng bán đồ lưu niệm phải treo biển bên ngoài “Vui lòng không ăn kem khi vào đây”. Một tuần ở Ý, tôi ăn không biết bao nhiêu cây kem ốc quế trên những xe kem có mặt khắp nơi với hàng dãy kem đủ mùi vị: crema fiorentina, pistachio, vanilla… Cắn miếng ốc quế giòn tan kèm với lớp kem dày, béo ngậy, vị ngọt thanh còn đọng lại trong cổ lành lạnh thật hợp với những ngày tháng bảy ở Ý nóng bức.
Ở các nhà ga xe lửa Ý, bạn rất dễ thấy bảng thông báo những tuyến đường xuyên quốc gia với những cái tên tiếng Ý du dương và êm đềm: Torino – Milano – Vicenza – Venezia, Alessandria – Piacenza – Parma – Firenze, Genova – Pisa – Roma – Napoli…
Những cái tên ấy dễ gợi nhớ đến giải Series A với những ai mê bóng đá ngoại hạng Ý; riêng với những ai lỡ có “tâm hồn ăn uống”, những cái tên ấy lại dậy lên trong lòng ý muốn được thưởng thức những món ngon địa phương trong một trattoria hay ristorante có hoa tươi nở trên đầu vào một buổi chiều mùa hè nước Ý đầy nắng và gió.
Đọc tiếp: Bánh Mì Thơm Cà Phê Đắng – Chương Chương 11
Ẩm thực của nắng và gió Trong ấn phẩm của hãng hàng không TAP Portugal tôi đọc trên chuyến bay đến thủ đô Bồ Đào Nha, có một bài viết về Lisbon được mở đầu bằng câu nói nổi tiếng của SaintExupéry, đại ý ông ngạc nhiên vì cảnh lẫn người Libsbon trong lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc. Sau những ngày rong ruổi khám phá, tôi tự nghiệm ra vì sao người Lisbon luôn vui vẻ và hồ hởi như vậy.
Thủ đô Bồ Đào Nha có nhiều quán ăn vặt hơn bất cứ nước châu u nào khác tôi từng đến, gần như cứ vài bước lại thấy một quán treo biển tasca, snack bar hay petiscos với quầy bày những loại bánh mặn làm từ cá, thịt nạc hoặc tôm, bọc bột chiên vàng rơm, và bánh ngọt mới nướng rắc đường trắng li ti trong thật ngon mắt. Bên trong kê bàn ghế đơn giản và trên vách có những bức tranh lớn có tuổi thọ từ vài chục đến vài trăm năm được khảm trực tiếp lên tường gạch men. Lớn hơn một chút là casa de pasto, những quán ăn dành cho dân địa phương sống cùng khu phố, thường chỉ phục vụ buổi trưa với giá rất bình dân.
Cá tuyết ở sứ xở nắng và gió Ngày thứ hai ở Lisbon, tôi đến một cervejaria (dịch nôm na là “nhà bia”) có tên A Gaio gần nơi ở, để thưởng thức thực đơn ementa turistica, với giá chỉ 7-8 euro mỗi phần ăn, bao gồm một ly rượu vang, bánh mì, súp, một món chín thịt hoặc cá, và một tách cà phê. Quả thật Lisbon không hổ danh là thủ đô rẻ nhất Tây u, một phần ăn như vậy ở những nước láng giềng ít nhất phải 25 euro. Sau món súp rau nóng bỏng là ba con cá trích lớn tràn cả dĩa, được nướng than cháy xém thoảng mùi khói, ăn với khoai tây luộc, đi kèm rượu vang trắng ngon không tả! Bồ Đào Nha có truyền thống về nghề đánh cá. Với 1800km bờ biển giáp Đại Tây Dương và Địa Trung Hải nắng gió nên lúc nào xứ sở này cũng đầy hải sản tươi ngon và giá rất phải chăng; do vậy thực đơn hầu hết nhà hàng từ sang trọng đến bình dân đều có ít nhất vài loại cá. Song món ăn truyền thống của người bản xứ lại là bacalhau – cá tuyết phơi khô muối. Trang web chính thức về du lịch của Lisbon viết: “Mỗi đất nước đều có hình tượng của riêng mình. Đó là những biểu tượng tồn tại với thời gian, đã mang tên đất nước ấy đến những vùng đất khác. Thông qua chúng, truyền thông thêm mạnh mẽ và được làm mới lại. Ở Bồ Đào Nha cũng vậy, đây là đất nước của Amalia Rodrigues và Eusebio, ngôi nhà của nhạc fado và bóng đá.
Và của bacaulhau, một trong những kỷ niệm ngon lành nhất về vùng đất của chúng tôi”. Lạ một điều, Bồ Đào Nha giàu có hải sản bản xứ vậy nhưng món bacaulhau có biệt danh “người bạn trung thành” này lại được nhập từ nước ngoài! Hóa ra món bacaulhau đã có từ thế kỷ thứ IX ở những nước Bắc u như Na Uy và Icend, nhưng chính những thuyền trưởng và thủy thủ Bồ Đào Nha mới là người tiên phong trong việc biến bacaulhau thành đỉnh cao ẩm thực quốc tế.
Cá tuyết được muối rồi phơi trên những tảng đá ngoài trời cho đến khi se mặt lại, ướp trong sớ cá không chỉ là muối mà còn là nắng và gió trời .“Tương truyền” ở Bồ Đào Nha có tất cả 365 kiểu nấu bacaulhau khác nhau, nếu ai đó thích ăn bacaulhau mỗi ngày vẫn có thể ăn đúng một năm mà không lặp lại món nào! Ở Lisbon có nhà hàng tên Casa do Bacaulhau nghĩa là “nhà cá tuyết muối khô”, ngoại trừ món tráng miệng ra còn tất cả các món ở đây đều được nấu từ bacaulhau: đúc lò, băm viên, gỏi sống, nấu súp, nướng than, chiên trứng… , đủ làm hài lòng bất cứ ai là fan trung thành của món cá này, nghĩa là gần như toàn bộ người bản xứ và không ít du khách. Còn hầu như ở bất kỳ quán ăn nào trên mọi nẻo đường Lisbon đều có món bacaulhau. Tôi đã thử hơn một lần bánh cá tuyết bọc bột lẫn với ít cọng ngò xanh. Tách bánh làm đôi, cá tuyết muối sớ thịt mỏng như món chà bông Việt Nam, mằn mặn giòn giòn, ăn xong uống ly cam tươi mới vắt ngọt liệm thật đúng điệu.
...