Về sau, tôi và thằng Choác cũng chơi bài này. Thằng Cháy rất vui vẻ và luôn đưa ra một lời hứa hẹn ở thì tương lai. Cái thì tương lai của nó thường rơi vào thời điểm cách thì hiện tại bảy ngày, mà bảy ngày đủ xóa sổ trí nhớ của bọn trẻ con. Thành thử suốt hồi lớp 6, tôi lẫn thằng Choác chưa bao giờ bắt được thằng Cháy khao bữa nộm hay cá nướng. Nhưng kệ! – Tôi tặc lưỡi, dù gì còn làm bạn với nhau dài, thế nào chẳng bắt được nó khao một bữa. He he!
Tuy vậy, dù chơi với nhau suốt cả năm lớp 6 lẫn lớp 7, tôi chưa hề đến nhà thằng Cháy lần nào. Bọn trẻ con hồi đó rất khoái rủ bạn bè về nhà mình chơi. Nhưng bởi thằng Cháy không rủ mà tôi cũng chẳng hỏi, do đó hai đứa chưa bao giờ qua nhà nhau. Trong suy nghĩ của tôi, nhà thằng này hẳn phải giàu lắm nên mới sở hữu một chiếc lò sưởi. Tại sao là lò sưởi? Số là thế này: thằng Cháy có mượn cái thằng đi du học (thằng bạn đầu tiên mà tôi gặp, nếu không nhớ, bạn có thể lật sang chương 3) một cuốn sách. Khoảng nửa tháng sau, thằng du học kia đòi quyển sách thì thằng Cháy bảo sách rơi vào lò lửa mất rồi. Sau đấy, thằng Cháy lại mượn sách của đứa khác và khổ chủ cũng không thể lấy lại, nguyên nhân y như cũ: lò lửa. Tôi dợm nghĩ lò lửa chính là lò sưởi, nếu đúng vậy thì nhà thằng Cháy giàu vãi! Nhưng khi tôi kể chuyện này, thằng Choác khẳng định rằng chẳng có cái lò sưởi nào sất:
- Tao đến nhà nó rồi! Làm đếch có lò sưởi!
- Nhưng nó bảo là đánh rơi sách vào lò lửa mà?! – Tôi cãi.
- Bó tay ông! Lửa với sưởi khác nhau!
- Hay là nhà cô dì chú bác
nó có lò sưởi?
- Chịu, biết thế đếch nào được!
Tôi không quan tâm tình hình kinh tế gia đình thằng Cháy hay nhà nó có lò sưởi hay không. Vấn đề là có một dạo thằng Cháy nghỉ ốm, khoảng gần ba ngày. Khỏe khoắn trở lại, nó liền mượn vở tôi chép bài. Thực tình lúc ấy tôi sợ vãi linh hồn. Bài vở toàn mấy môn quan trọng như toán hay tiếng Anh, lỡ mà rơi vào lò lửa là hết đường về quê mẹ. Nhưng bạn bè chẳng lẽ tiếc nhau cái quyển vở? Đắn đo mãi, tôi đưa vở cho thằng Cháy và không quên nhắc nhở nó tránh xa lửa. Tới khi nó gửi trả lại, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Dù vậy, lò lửa không làm ảnh hưởng tình bạn giữa tôi và nó.
Nhưng cuộc sống có những giới hạn mà chỉ cần bạn chạm nhẹ vào nó, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ.
Vào một buổi chiều, sau khi tan lớp học thêm, như thường lệ, ba thằng lại cùng nhau về nhà, vừa đi vừa tán phét về game. Tới lúc qua cổng trường, trông thấy hàng bán quà ăn vặt, thằng Cháy nói:
- Ăn ô mai không bọn bay?
Tôi và thằng Choác lắc đầu. Thằng Cháy nói tiếp:
- Đ.M, thèm ô mai quá! Mà hôm qua tao bao chúng mày điện tử đúng không? Thế thì mua ô mai cho tao đi!
Đan Mạch! – Tôi và thằng Choác lẩm bẩm. Mua cho bạn gói ô mai chẳng có gì to tát, to tát ở chỗ hai thằng đều nhẵn túi. Thằng Choác nói:
- Hôm khác đi mày! Bọn tao hết tiền rồi!
- Không! – Thằng Cháy lắc đầu – Hôm nay tao thích ăn!
Một trăm mét tiếp theo, nó cứ lèm bèm về gói ô mai. Đ.M! – Tôi và thằng Choác lầm bầm lần hai. Bạn bè ai tiếc nó mấy nghìn? Vấn đề là cái thói lèm bèm của thằng Cháy. Nghe mãi điếc tai, tôi nhăn mặt:
- Đã bảo bọn tao chưa có tiền! Để mai tao mua, được chưa? Lắm mồm vãi!
Thằng Cháy bĩu môi vẻ như không tin. Một lúc sau, nó “à” lên một tiếng rồi đề nghị:
- Hay mày “chôm” cái gói ô mai đi? Coi như không phải bao tao nữa!
Tôi không phải đứa học sinh ngoan, nhưng cũng nhận thức được ăn cắp là điều xấu. Tôi chỉ cười nhạt rồi bỏ ngoài tai lời đề nghị của thằng Cháy. Nó nói tiếp:
- “Chôm” đi! Rồi mai tao bao mày chơi điện tử!
Chơi điện tử? Nghe cũng thú vị. Bọn trẻ con ngày ấy đều chung giấc mơ ăn ngủ tại hàng net. Nhưng bỏ ra vài nghìn mà bảo tôi chôm chỉa một túi ô mai be bé? Chẳng đáng! Tôi lại tiếp tục bỏ qua lời câu dẫn của thằng Cháy nhưng nó vẫn cù nhây:
- Không có gan chôm thì nói thẳng ra chứ cần gì im lặng thế? Hèn vãi!
Tổ bà mày thằng Cháy, chọc đúng chỗ lắm! Một thằng học sinh lớp 7 thừa hiểu trộm cắp là xấu, nhưng nó lại có thể làm bất cứ thứ gì trước lời thách thức của thằng bạn. Mày có thể chửi tao nghèo, chửi tao ngu, nhưng tao cấm mày chửi tao “hèn” hoặc “không có gan”! – Đấy, bản chất trẻ trâu thời đó là vậy. Máu nóng dồn lên não, tôi chỉ mặt thằng Cháy:
- Đan Mạch, tao mà lấy được gói ô mai, mày mất gì?
Thằng Cháy cười hềnh hệch, kiểu như không tin tôi dám làm:
- Bao chơi điện tử! Được chưa?
- Mày nhớ mồm đấy!
Và thế là tôi triển khai kế hoạch chôm chỉa của mình. Hồi ấy gần cổng trường có một vách tường đổ nằm trên vỉa hè, hàng quà vặt ngay cạnh vách tường. Tường không cao nhưng vừa đủ cho một thằng quỷ con như tôi nấp. Trên tường lại có vài lỗ thủng, tôi có thể nhòm qua lỗ xem bà chủ quán đang làm gì. Trong lúc đó, hai thằng bạn thì đứng từ xa theo dõi, hoàn toàn không có động tĩnh gì. Trông thấy bà chủ quán ngoảnh mặt đi chỗ khác, tôi bèn lần theo bờ tường, tay thò ra chộp lấy gói ô mai trên cái mẹt rồi a lê hấp, chuồn! Tôi chạy bán sống bán chết cùng hai thằng bạn, chạy hơn một trăm mét mà vẫn chẳng nghe thấy tiếng kêu la của bà chủ quán. Có lẽ hôm ấy, bả bị chồng bỏ hoặc gặp chuyện không vui trong gia đình, tôi không biết và sẽ không bao giờ biết.
Cả ba đứa chạy vào con hẻm gần đó, thằng nào thằng nấy thở hồng hộc vì sợ. Mất năm phút hoàn hồn, tôi làm vẻ dương dương tự đắc rồi ném gói ô mai cho thằng Cháy:
- Đó! Ngày mai mày trả tiền cho tao!
Thằng Cháy gật gù kiểu như đã nghe thấy. Nó bỏ tọt những miếng ô mai vào miệng và không buông lời cảm ơn. Tôi không cần nó cảm ơn vì chẳng thằng nào cảm ơn món đồ ăn cắp cả. Thằng Choác chẳng bình luận gì về hành động của tôi. Tôi cũng không cần lời bình luận nào cho hành động thiếu suy nghĩ ấy. Tôi chỉ cần biết mình không loại thỏ đế như lời thằng Cháy.
Tuy nhiên, khi về nhà, cảm giác tội lỗi lan tràn khắp người tôi. Trộm cắp là một hành động đáng bị lên án. Tôi lo sợ bà chủ hàng quà vặt sẽ vào tận trường và chỉ mặt thằng ăn trộm học lớp 7. Vụ này mà vỡ lở, cuộc đời tôi coi như chấm hết. Ngày hôm sau, tôi đến lớp với tâm trạng thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Thấy tôi mặt mũi tái xanh tái đỏ, Linh hỏi:
- Mày sao thế? Ốm à? Cần xuống phòng y tế không?
Tôi lắc đầu và toét mồm cười. Tôi không thể nói cho Linh biết hành động đáng xấu hổ hôm qua. Em sẽ khinh bỉ và xa lánh tôi cả đời mất!
Bẵng đi vài ngày, câu chuyện chôm chỉa trong lòng tôi lắng xuống. Bà chủ hàng quà vặt chắc chắn biết mình bị mất cắp, nhưng có lẽ bả không biết kẻ trộm là thằng nào, hoặc giả như biết mà cho qua. Nghĩ đã thoát, tôi thở phào nhẹ nhõm, lòng tự nhủ từ nay không dám chôm chỉa nữa. Đừng trộm cắp, nếu bạn không muốn chết vì bệnh tim!
Mọi chuyện vẫn yên ổn cho tới giờ sinh hoạt cuối tuần. Tôi nhớ hôm đó trời mưa rả rích suốt buổi sáng, gió lạnh rin rít bên ngoài cửa sổ. Tôi nhớ tuần ấy, mình không hề phạm khuyết điểm nào. Nói chuyện không, điểm kém không, tôi sẽ có ngày chủ nhật thảnh thơi. Như thông lệ, bà chủ nhiệm giở sổ đầu bài, cặp mắt cú vọ lồi ra chực hoạch họe những đứa có tội. Bả nhìn tôi lâu hơn một tí rồi lại nhìn sổ đầu bài. Hơn hai tháng nay, tôi chưa phải viết bản kiểm điểm nào và bả cảm thấy khó chịu vì điều đó. Rõ ràng kế hoạch đuổi tôi ra khỏi lớp của bà chủ nhiệm đã đổ bể. Cứ học như hiện tại, tôi vẫn giữ vững vị trí học sinh tiên tiến, thậm chí học sinh giỏi nếu cố gắng cật lực. Nhưng sẽ không có học sinh giỏi hay học sinh tiên tiến, bởi ngày hôm đó, thằng Cháy – cái thằng mà tôi gọi là bạn đứng lên nói thế này:
- Con thưa cô! (Ngày ấy học sinh phải xưng “con” với giáo viên) Hôm thứ ba, bạn Tùng và bạn…(tên thằng Choác) ăn cắp ô mai ngoài cổng trường ạ!
Như vớ bở, bà chủ nhiệm lập tức gọi tôi và thằng Choác đứng dậy, sau đó hỏi thằng Cháy tường tận sự việc. Thằng Cháy liền kể vanh vách, nó kể tôi chôm chỉa ra sao, thằng Choác giúp đỡ thế nào (khổ thằng Choác không liên can nhưng bị lôi vào), nhưng nó tuyệt nhiên không nói rằng chính nó xúi tôi ăn trộm. Đợi nó nói xong, không cần bằng chứng, không cần sự thật, bà chủ nhiệm tươi cười phán quyết:
- Anh Tùng và anh…(tên thằng Choác) về viết bản kiểm điểm, xin chữ ký phụ huynh. Tuần sau tôi sẽ gặp bố mẹ hai anh nói chuyện riêng.
Tôi gân cổ cãi:
- Nhưng thưa cô, bạn…(tên thằng Cháy) xúi em đấy chứ! Nó…
- Không giải thích! – Bả chủ nhiệm nạt nộ – Anh muốn lên phòng giáo viên ngồi không? Mang sổ liên lạc lên đây!
Tôi im lặng. Thằng Choác im lặng. Cả hai đứa ngồi xuống, tay nắm chặt như muốn thọi chết thằng Cháy ngay tại lớp. Linh quay sang tôi định nói điều gì đấy nhưng trông bản mặt đỏ phừng phừng của tôi, em lại thôi. Đừng động vào thằng chọi con khi nó nổi cáu! – Em biết rõ điều ấy.
Rốt cục thì bọn tôi cũng chẳng làm gì thằng Cháy. Nhưng kể từ đấy, nhóm ba đứa tách ra, tôi cùng thằng Choác chơi với nhau, còn thằng Cháy tìm bạn khác chơi (hoặc lợi dụng) cho hợp bản tính bẩn chớt của nó. Ngoài mặt, bọn tôi vẫn chào hỏi nói chuyện với thằng Cháy, còn sau lưng, chúng tôi gọi nó là “3C”. 3C có nhiều nghĩa, như Cháy Chết Chó, Chó Chết Cháy, Chết Cháy Chó, Chết Chó Cháy hoặc đơn giản hơn: Cháy Chó Chết. Ba đứa cũng không đi học về cùng nhau nữa, và cái ước vọng tìm bạn tri kỷ của tôi đổ bể hoàn toàn. Nó thậm chí còn đau đớn hơn cả lời chửi rủa của bố mẹ sau khi gặp bà chủ nhiệm. Khỏi phải nói các cụ chửi tôi thậm tệ thế nào. Thôi thì đủ mọi lời lẽ cay nghiệt nhất. Nhưng cay nghiệt đến mấy vẫn không bằng sự thật mà một thằng chọi con mới lớn đã vấp phải. Cú ngã quá đau, quá khốc liệt ở cái tuổi ấy.
Bạn bè với nhau mà đối xử như vậy sao?
Tội của tôi xứng đáng bị đuổi khỏi trường chứ đừng nói đuổi khỏi lớp. Nhưng vì một lý do nào đấy, tôi vẫn được giữ lại. Nhiều năm sau, khi hỏi lại chuyện cũ, mẹ tôi nói rằng phải dùng phong bì biếu xén bà chủ nhiệm. Tôi không biện minh hành động của mình, nhưng tôi không thể hiểu tại sao thằng Cháy làm thế? Tôi không dám nói mình bao nó chơi điện tử nhiều hơn, nhưng tôi dám nói mình đã trả đủ tiền mà nó đòi. Tôi đã cho nó mượn vở chép bài, trong khi lũ bạn học sợ cái lò lửa nhà nó. Vậy thì tại sao nó đấu tố bọn tôi? Mà tại sao nó đấu tố luôn cả thằng Choác, vốn không liên quan?
Tôi không thể tìm được câu trả lời. Chỉ những thằng bẩn chớt mới hiểu chính chúng nó. Ba tháng sau, tôi nghe đi nghe lại album đầu tiên của Linkin Park (album Hybrid Theory – năm 1999), mồm cứ lẩm nhẩm những tiếng ca gào thét. Suốt quãng thời gian đó, tâm tình tôi hỗn loạn như chính album nhạc. Tôi lao đầu vào chơi điện tử, bỏ bê học hành. Một tuần, tôi phải trốn ít nhất hai buổi học thêm. Kết quả học tập của tôi vì thế lao đầu như máy bay rơi. Ngay cả toán, tôi lãnh ít nhất ba con ngỗng, một cây gậy chỉ trong một tuần.
...