- Nể tình bằng hữu giữa hai ta đã chục năm có lẻ, tại hạ sẽ tạm tha cho dung nhan của túc hạ. Nhưng dám hỏi túc hạ tại sao vừa là họa, vừa là phúc?
Vị anh hùng nọ nhấp ngụm café, gương mặt cố rặn ra vẻ bác học rồi nói:
- Tại hạ can dự tình trường đã lâu, cũng biết một vài truyền thuyết. Nghe nói khăn quàng, nhẫn, những đồ đi thành cặp là thứ dễ khiến đôi lứa chia lìa. Ấy là họa. Nhưng người xưa nói trong họa có phúc. Ngu như túc hạ mà được gái tặng khăn, ấy chính là cái ngu mà anh hùng khắp thiên hạ đều theo đuổi. Có câu khôn mà giả ngu, ấy là bậc đại trí. Túc hạ còn cao tay hơn bậc đại trí, tự biết mình ngu nhưng vẫn tỏ rõ sự ngu. Ngu ít thì gọi là khờ, ngu nhiều thì gọi là ngu, ngu tột cùng thì gọi là dễ thương. Túc hạ đã đạt tới điểm tột cùng đó, quả xứng lưu danh thiên cổ!
Vị anh hùng kia không những không mừng mà nhào đến bóp cổ người bằng hữu:
- Con bà mày, chửi tao hay khen tao đấy?
- Tao đang khen mà… ặc, ặc… sao mày lại nghi ngờ lòng tốt của tao… ặc! Bớ làng nước, cứu tôi… ặc!
Hẳn mọi người đã biết hai vị anh hùng kể trên là tôi và thằng Choác. Sau ngày Linh tặng khăn, tôi phải tìm ngay đứa bạn chí cốt. Thắng lợi này lớn quá, một mình tôi hưởng thụ không hết, thế nên tôi phải chia sẻ. Vả lại vui quá dễ hại tim, chính những lúc như vầy mới cần đứa bạn thân để gánh rủi ro giùm mình, he he!
Linh là người đầu tiên, đồng thời là cô gái đầu tiên tặng quà cho tôi. Còn nhớ năm lớp 7, em tặng tôi một lô đĩa nhạc rock, so với chiếc khăn len thì hoàn toàn khác biệt. Tôi không đo đếm sự nặng nhẹ tình cảm hay tiền bạc trong từng món quà mà chỉ muốn nói rằng Linh đã trưởng thành. Em nữ tính hơn, suy nghĩ nhiều hơn và cũng… khó hiểu hơn. Tôi đi café với em khá nhiều, nói chuyện tâm sự không phải ít. Nhưng bảo tôi thấu hiểu em? Không đời nào! Con gái là thế, họ ăn thịt gà nhưng nghĩ tới thịt vịt, giặt quần áo nhưng nghĩ chuyện rửa bát, đại khái thế.
Và suốt những năm tháng đại học, tôi như một đứa trẻ chạy theo sự trưởng thành của em.
Như đã nói, Linh tặng tôi khăn, tôi cũng phải cố nghĩ ra một món quà để tặng em. Sau kỳ Noel cũng vừa vặn tháng giêng, tháng sinh nhật của Linh. Tặng gì đây? – Tôi tự hỏi. Tôi đã không còn là thằng oắt lớp 7 để tặng kẹo kéo, không phải thằng chíp hôi cấp ba mà tặng tranh vẽ. Tranh… ờm, thực tình mà nói, tôi muốn tặng tranh cho em. Không phải tôi muốn nâng cao tầm lãng mạn bằng quà handmade, mà bởi tranh vẽ luôn là thứ tôi dồn nhiều tình cảm nhất. Và hẳn ai cũng muốn tặng món quà chứa nhiều tình cảm nhất cho người mình thích. Nhưng tranh cùng lắm chỉ treo và ngắm, trong khi tôi lại muốn em có thể mang một thứ gì đó bên mình mà mỗi lần nhìn vào, tôi lại tự hào: “À, kia là quà của mình!”.
Vậy nên tôi bỏ ý định tặng tranh, thay vào đó là một thứ liên quan đến quần áo. Nhưng là thứ gì? Phụ nữ không giống đàn ông, họ tắm ba mươi phút, nhưng thực tế chỉ tắm năm phút thôi, hai mươi lăm phút là lựa chọn và thay quần áo. Mà con gái không bao giờ nhờ cánh đàn ông mua hoặc tặng quần áo giùm họ. Nếu bạn mua, họ sẽ vui vẻ nhận và chôn thật kỹ dưới đáy tủ, không bao giờ sờ tới và luôn từ chối mặc chúng nếu bạn yêu cầu (cô nào chua hơn thì gửi trả ngay tại chỗ). Hay tặng khăn? Tôi từng gặp nhiều gã biết làm bếp, cắm hoa, thiết kế thời trang, làm tóc, trang điểm chứ chưa từng thấy thằng nào ngồi một chỗ chỗ đan đan cuốn cuốn như bà ngoại tám mươi tuổi cả. Mà Linh tặng tôi khăn, tôi tặng lại thì chẳng hóa ra là trả nợ à? Con gái hay để ý mấy chuyện lặt vặt lắm, không được! Tôi cũng dợm nghĩ đến những thứ có thể đeo như dây chuyền, song tôi cảm giác nó lạnh lẽo làm sao, không thích hợp cho việc tặng quà. Vả lại dây chuyền giá trị ít phải từ 5 lít đổ lên, đào đâu ra tiền? Tôi con một và sống ở thành phố thật, nhưng các cụ cho tiền vừa đủ xăng xe, điện thoại và tuần được hai ba cốc café, hết! Các cô tỉnh lẻ có ý định bám giai Hà Nội thì đừng tìm thằng này nhe, nghèo lắm! He he! Hay gấp một nghìn con hạc giấy để chứng minh độ thổ phỉ của
mình? Không, không được! Tôi cũng định bụng nhờ thằng Choác làm thiệp giấy. Nhưng thằng cu bận làm quán café, mà bạn gái nó cũng thuộc dạng nhõng nhẽo, thành ra nó không lúc nào ở nhà hoặc rảnh rỗi. Với thanh niên yêu việc sợ vợ này, nhờ vả cũng tội.
Lừng khừng mãi với những dự tính, cuối cùng tôi vẫn chẳng biết nên tặng Linh thứ gì. Vậy là tôi bèn đào sâu vào blog của em để tìm hiểu. Thú thực, tôi không có sở thích lần mò trang cá nhân của người khác, kể cả facebook sau này cũng vậy. Nhưng vì Linh, tôi đành phá lệ một lần. Blog của em không nhiều ảnh tự sướng (tất nhiên cũng có vài cái, con gái mà!), nhưng lại rất lắm ảnh đồ ăn, mà quá nửa số đó lại là gà rán tẩm bột hoặc gà rán KFC. Tôi biết em thích món này, nhưng chẳng ngờ lại hâm mộ đến thế, gần như là fan cuồng gà rán! Tấm nào có gà rán, em lại đánh ký hiệu trái tim tỏ vẻ rất thích thú. Nhưng có những entry (tương tự như status bên facebook) lại vô cùng trái ngược, đại thể thế này:
“Sao mà ghét gà rán thế không biết T.T ! Không ăn nữa đâu! Bực cả mình!”.
Cái entry nhận được cả chục comment bợ đít của những thằng con trai. Nhưng sau cái entry ấy vài ngày, một bức ảnh gà rán KFC lại xuất hiện (cộng thêm vô số comment bợ đít khác)! Có thể khẳng định Linh cực kỳ thích gà rán chứ không phải là “thích” nữa. Đàn bà con gái ưa ăn quà khoái buôn chuyện, vậy nên rủ đi ăn là hợp lý nhất! Tôi liền nhắn tin cho Linh:
“Sắp tới sinh nhật cô rồi phỏng?”.
“Ừ! Tặng quà cho mình hả? Quà gì thế? ^^”.
“Đi ăn KFC nhé?”.
“Mình đang ăn kiêng, không đi KFC đâu! TT”.
Ăn kiêng? Con khỉ khô gì thế? Rõ ràng hôm trước còn thấy khoe đi ăn đồ nướng trên entry cơ mà? Tôi bèn nhắn tin lại:
“Ờ thì sinh nhật cô, tôi muốn mời ấy mà!”.
“Nhưng mà mình đang ăn kiêng, thật đấy! Không ăn KFC đâu! TT Ăn cái khác đi!”.
Và Linh đã từ chối lời mời của tôi như thế. Cũng không lâu sau, chẳng cần thằng Choác hay thằng Xoạch chỉ điểm, tôi hiểu ra vấn đề. Linh thích ăn gà rán không có nghĩa rằng gà rán sẽ là món quà sinh nhật tuyệt vời cho em. Giờ thì bạn hiểu tại sao anh chàng Nobita tặng khoai lang cho Xuka mà bị ăn chửi té tát rồi chứ? Đó, con gái là vậy đấy! Cái mà phụ nữ thích nhất lại chưa chắc là thứ mà họ cần ở đàn ông.
Lừng khừng mãi với những ý tưởng, rốt cục gần đến ngày sinh nhật của Linh, tôi vẫn chưa tặng được cho em quà gì. Cuối cùng, nhờ thằng Xoạch hiến kế, tôi bèn rủ Linh đi xem phim rồi đi ăn (tôi không nhớ lúc ấy hứa với em ăn gì, chỉ biết nó không phải là gà rán). Nhưng khốn nỗi, ngân sách của chỉ còn vài đồng lẻ, may được cốc café. Đàn ông khổ nhất khi hết tiền. Đây là hậu quả của trận ăn nhậu tại nhà thằng Xoạch. Tới lúc này, tôi mới thấy hối tiếc vì từ chối lời mời đi làm thêm của thằng Choác hồi năm nhất. Bí bách quá, tôi đành xin mẹ tiền với lý do “mua quà sinh nhật cho bạn”. Lần này quà thật, bạn thật, chứ không phải mấy vụ sinh nhật tưởng tượng mỗi khi xin tiền các cụ. Cơ mà từ hồi năm nhất đại học, tôi tưởng tượng hơi quá đà nên giờ xin xỏ, bà cụ lại tỏ vẻ mặt rất hình sự:
- Tao nhớ là tuần trước mày đi sinh nhật đứa nào cơ mà? Sao giờ lại sinh nhật tiếp?
- À, là bạn cấp ba của con! Lần này là bạn đại học!
Câu trên vừa xạo vừa đúng vì tôi chẳng quen biết đứa bạn cấp ba nào ngoài thằng Cuốc và thằng Sĩ, đúng vì lần này tôi tặng quà cho Linh thật. Mẹ hỏi tiếp:
- Thế hồi đầu tháng mày cũng xin tiền để sinh nhật đứa nào đấy?
- Ờ thì là bạn cấp hai! – Tôi nhe răng cười.
- Không lo học hành, tụ tập đàn đúm vào rồi hư người! – Mẹ quát.
Ban đầu, mẹ không cho vì tôi tiêu pha quá nhiều. Nhưng nằn nì năn nỉ mãi, bà cũng cho trăm rưỡi. Một trăm năm mươi nghìn! Không thêm không bớt! Thời ấy vật giá bắt đầu tăng nhanh khủng khiếp, ra ngoài đường vèo vèo dăm lượt là hết cả đống tiền chứ chưa nói một lít rưỡi. Nhưng tôi không phải loại con cái thích mè nheo than thở, có tiền là tốt, còn hơn chẳng có đồng nào. Nhiều tiêu kiểu nhiều, ít tiêu kiểu ít. Thay vì rủ Linh lên Vincom cho hợp mốt, tôi sẽ đưa em đi rạp quốc gia vì ở đó có người quen, giá rẻ mà được chỗ ngồi tốt; số tiền còn lại thừa đủ ăn uống. Tán gái thời khủng hoảng là thế, chậc!
May sao Linh cũng dễ tính. Nghe tôi trình bày kế hoạch, em gật đầu “Ừ” ngay và sắp xếp lịch. Còn cách ngày hẹn hai ba hôm nhưng tôi đã nhảy như ngựa, đêm nào cũng thao thức, na ná như cảm giác được đi tham quan thời học sinh vậy. Bố mẹ thì cứ tưởng tôi thức đêm làm đồ án, nào đâu biết ông con khó ngủ vì… gái. Tôi sẽ đeo chiếc khăn do em tặng, đèo em đi chơi, cùng em xem phim, cùng em tâm sự về cái thời xa xưa đó. Tỏ tình thì chắc chắn là chưa, nhưng chỉ cần bước khởi đầu như vậy thôi cũng là tốt lắm, nghĩ mà sướng cả người! Bình tĩnh, bình tĩnh! – Tôi tự nhủ.
Nhưng trước ngày hẹn, thằng Choác và thằng Xoạch lại tham vấn kế hoạch cưa gái của tôi. Thằng Xoạch hỏi:
- Hậy! Mày rủ nó đi xem phim gì thế?
- Wolverins (Người sói)! – Tôi nói – Phim năm ngoái. Tuần trước tao có kể, cái Linh nói là chưa xem phim này! Tiện đi xem luôn!
Thằng Choác và thằng Xoạch nhìn nhau. Mất một lúc, thằng Choác liền ngó quanh phòng, sau hỏi thằng Xoạch:
- Có cái gì nhọn nhọn không? Để tao xiên chết thằng thổ phỉ này!
- Ấy ấy! Tao mời nó đi xem phim, đi ăn, đúng bài bản chiến lược mà! – Tôi xua tay.
Thằng Xoạch ôm bụng cười ầm nhà. Nó nói:
- Hậy! Ai bảo mày chọn phim đó? Giời ạ, tao thề là mở lớp dạy tán gái rồi tuyển mấy thằng như mày đi học là kiếm ối tiền! Nghe đây bố trẻ, mời gái đi xem phim thì chọn phim hài hoặc tình cảm thôi! Đừng có chọn mấy cái phim đánh đấm giết chóc với triết lý, chúng nó đếch quan tâm đâu!
- Mà cái rạp quốc gia thiếu quái gì phim, ông lại đi chọn cái phim đánh đấm hở giời? Ngu ơi là ngu! – Thằng Choác than thở.
Nghe lời chúng nó, tôi phải lựa chọn lại phim để xem. Thời đại hài hước đã qua lâu, chẳng còn mấy bộ phim có thể khiến tôi nhếch mép. Nhưng thà xem hài còn hơn xem mấy phim tình cảm bởi tôi sẽ lăn ra ngủ lúc nào không hay. Đáng tiếc là tuần ấy ở Rạp quốc gia không có suất chiếu phim kinh dị. Nếu có thì tốt, na ná “The Ring” càng hay, vì con gái khi xem phim kinh dị sẽ bộc phát vài hành động thiếu tự chủ với thằng ngồi cạnh. Khửa khửa! – Tôi cười gian tà.
Song dường như ông trời ghét tôi, hoặc tôi cảm tưởng thế. Mỗi lần tôi lên kế hoạch hoặc chuẩn bị việc gì đấy, chẳng bao giờ chúng diễn ra như ý. Đúng hôm hẹn hò, lúc bốn giờ sáng, bố lôi tôi dậy và nhờ đèo ra bến xe Mỹ Đình. Ông cụ có việc nhưng chẳng hề báo với tôi một tiếng, trong khi tôi lại có tật thức đêm (chẳng thằng sinh viên nào đi ngủ trước 12 giờ hết). Vừa bực với ông cụ lại vừa buồn ngủ, tôi mắt nhắm mắt mở đèo bố ra bến xe. Lúc đi thì không sao, lúc về mới có chuyện. Đại khái là đường về nhà tôi phải đi qua một bùng binh, mà lúc ấy chưa đến năm giờ sáng, đường vắng tanh vắng ngắt, chuột còn không thấy đâu chứ đừng nói người. Bùng binh thì rõ to, trời đang rét căm căm, mắt thì díp dịp vì buồn ngủ, chừng ấy đầy đủ lý do để tôi đi thẳng thay vì vòng qua nó. Nhưng xe đang lên dốc thì ôi thôi, một cái bóng lao ra, tay cầm dùi cui bắt tôi tấp vào lề đường. Lúc dừng xe, tôi mới nhận ra con đường này không hề vắng vẻ mà có tới bốn anh cảnh sát cơ động nấp dưới tán cây! Các anh chọn ngay chỗ tối tối chẳng hề có ánh đèn điện.
...