luôn nghĩ đến nhà hàng và công trình “Trường Thiên” đang xây dựng còn dang dở . Không có anh như rắn mất đầu, sự việc sẽ rối tinh lên . Thiệt hại, thất thoát … con số sẽ tăng đến vô giới hạn . Ôi ! Chỉ mới nghĩ đến thôi, anh đã nghe tối tăm mặt mũi.
“Anh cứ yên tâm đi, đừng lo lắng . Tôi đã giải quyết mọi chuyện đâu đó ổn thỏa rồi”. Đó là câu trả lời của Tịnh Nghi mỗi khi nghe anh hỏi đến . Lúc nào cũng yên tâm, cũng ổn thỏa . Mà ổn thỏa, cách giải quyết như thế nào, cô lại không chịu nói, cứ quanh quẩn … với lý do : “Anh còn mệt lắm, hãy để tâm tư dưỡng bệnh, đừng bận lòng “.
Đừng bận lòng ? Hừ ! Hữu Bằng bật cười buồn . Tịnh Nghi tưởng anh là gỗ đá vô tư, là người trái tim bằng thép hay sao chứ ? Tâm huyết một đời của nội, của ba để lại đang có nguy cơ phá sản trong tay anh, làm sao mà anh không bận lòng cho được.
Ngày ngày nằm trên giường bệnh, nhận sự chăm sóc của nội và ba, nhìn họ vẫn vô tình, không biết gì đến nguy cơ phá sản, lòng Hữu Bằng thêm ray rứt . Thầm hối hận cho tính nông nổi hiếu thắng của mình.
Có lẽ Tịnh Nghi đã tìm ra cách giải quyết rồi chăng ? Trong cơn tuyệt vọng, đôi khi Hữu Bằng thầm mơ đến điều này . Biết đâu phép lạ đã xảy ra, Tịnh Nghi đã lật ngược lại thế cờ.
Không đâu . Hữu Bằng lại cười mình hy vọng hão . Cách giải quyết của Tịnh Nghi ư ? Ngoài việc giải tán nhân viên đóng cửa nhà hàng ra, cô còn cách giải quyết nào hay hơn nữa . Ôi ! Những nhà hàng sang trọng, luôn rực sáng ánh đèn của anh, giờ đây hẳn buồn thiu nằm im lìm trong bóng tối . Công trình “Trường Thiên” của anh, giờ đây hẳn lặng lẽ điêu tàn, ngổn ngang đất đá . Đám thợ, thầu không nhận được lương cũng không có người chỉ dẫn, hẳn đã nghĩ từ lâu.
– Hữu Bằng ! Tôi làm tất cả cũng vì anh, vì hết cách rồi . – Xe chạy gần đến nhà hàng, Tịnh Nghi bỗng cất giọng ngập ngừng – Anh đừng mắng tôi nghe.
Dứt dòng suy nghĩ, Hữu Bằng quay nhìn Tịnh Nghi một cái . Lòng se lại khi nhận ra cô ốm đi nhiều . Những ngay anh nằm trong bệnh viện, một mình cô đã phải chạy tới chạy lui lo lắng rất nhiều . Đêm nào, cô cũng đến canh chừng anh cho nội và ba về ngủ . Của đáng tội vì ngỡ cô là vợ thật nên hai người đều vui vẻ nhận lời, cho đó là lẽ tất nhiên thôi.
Cô chăm sóc anh thật chu đáo, tận tình, lo lắng cho anh như thể anh là người thân ruột thịt của cô . Bón từng muỗng nước, thức thâu đêm canh cho anh từng chai nước biển, ơn nghĩa đó, anh còn chưa cảm ơn cô thì làm gì có việc rầy la mắng mỏ.
– Còn chưa biết chừng … – Nhưng không quen biểu lộ tình cảm của mình trước phái nữ, Hữu Bằng vờ nghiêm giọng, thích thú nhìn mặt cô tái dần đi.
Ồ ! Gì thế này ? Mình đang ngủ mơ chưa ? Vừa bước xuống xe, chưa kịp định thần, mắt Hữu Bằng đã hoa lên trước muôn ánh đèn hoa rực rỡ . Nhà hàng “Bình Minh” của anh đây ư ? Sao sang trọng … sao mới lạ đến nỗi anh phải ngỡ ngàng ? Thực khách lại ồn ào vào ra tấp nập, sung túc đông đảo hơn lúc trước rất nhiều lần :
– Chuyện này là thế nào ?
Phút ngỡ ngàng qua nhanh, Hữu Bằng nhìn Tịnh Nghi đầy thán phục :
– Cả bảy nhà hàng còn lại … cũng … biến đổi thế này ?
– Vâng.
Tịnh Nghi gật đầu nhè nhẹ, vẻ sợ hãi vẫn in lên ánh mắt . Hữu Bằng như không tin :
– Tất cả đều đổi mới ư ? Cô làm cách nào mà tài thế ?
– Nhưng anh hứa là không la tôi chứ ? – Tịnh Nghi ấp úng – Lẽ ra tôi phải hỏi ý kiến anh trước khi làm, nhưng lúc đó anh đang bệnh nên … – Biết rồi, biết rồi … – Hữu Bằng gật đầu nôn nóng – Đừng dài dòng nữa, chuyện thế nào kể mau đi.
– Vâng . – Đến ngồi trên bậc tam cấp trước nhà hàng, cạnh Hữu Bằng, Tịnh Nghi cất giọng dịu dàng … Đẩy xe giao hàng cho “Phong Phú” được hai ngày . Với tính cách xã giao cố hữu, Tịnh Nghi đã nắm rõ hết sự tình, cũng như đã biết mặt viên giám đốc đẹp trai, trẻ tuổi nhưng gian manh đầy thủ đoạn kia.
Ngày ngày nhìn gã đi vào đi ra, nét mặt nhơn nhơn thỏa mãn với số lượng khách tăng dần, Tịnh Nghi nghe tức ứa gan, chỉ muốn chạy thẳng vào giữa tiệc, vung tay tát vào mặt gã rồi hét to vạch trần mọi âm mưu thủ đoạn của gã với khách hàng . Có một lần không nhịn nổi, Tịnh Nghi đã từ nhà bếp bước thẳng lên sân khấu, đứng cạnh gã rồi … kịp suy nghĩ lại, cô thấy mình không nên làm thế.
Với danh phận vợ của Hữu Bằng, lời nói của cô bây giờ vô giá trị . Mọi người sẽ nghĩ rằng, cô vì cạnh tranh vì ghen tức mà nói xấu gã thôi, không khéo lại làm mất mặt Hữu Bằng vì hành vi vô văn hóa.
Hát một bài tặng thực khách, Tịnh Nghi lầm lũi trở về . Phải làm cách nào để cứu Hữu Bằng, cứu tám nhà hàng của anh ? Suốt một đêm dài không ngủ, cô cứ suy nghĩ mãi . Cuối cùng, quyết định đem chuyện này kể cho ông Thái biết.
Cô vẫn nhớ lời Hữu Bằng căn dặn là không nên làm ông lo lắng, nhưng hết cách rồi, cô không thể bó tay chờ chết . Liệu khi anh hoàn toàn phá sản rồi, anh có giấu được ông ? Có cấm được ông đừng bận tâm, lo lắng, hay là …sẽ lo lắng, bận tâm hơn bây giờ gấp trăm lần . Giữa hai điều nặng nhẹ, phút giây cấp bách này, cô đành phải chọn.
Không như cô đã tưởng, như Hữu Bằng lo lắng dư thừa, khi nghe chuyện này, ông Thái vẫn thản nhiên không một chút bận tâm, lo lắng, còn bảo : “Gặp khó khăn trong kinh doanh là chuyện thường tình, như con nước khi lớn khi ròng, đâu thể lặng yên dập dờ chảy mãi”.
Với ông, vấn đề giải quyết chẳng khó khằn gì, cũng không phải trả thù như ý tưởng của Tịnh Nghi . Sau khi dạo một vòng tham quan các nhà hàng của thành phố, nhận ra các nhà hàng của mình đã quá cũ kỹ, lạc hậu, ông quyết định làm một cuộc cách mạng . Tân trang lại mặt bằng, đồng thời cho trang trí nội thất lại một cách huy hoàng, rực rỡ hơn....