Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn dành sự quan tâm và tình cảm yêu thương nhất cho các cháu thiếu nhi trong và ngoài nước, bởi đó là những chủ nhân tương lai của nước nhà và nhân loại.
Tình cảm và sự quan tâm chăm sóc của Bác dành cho thiếu nhi trong nước và quốc tế thể hiện ở nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, trong đó có cả tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho những người con đỡ đầu của mình. Vậy những người con đỡ đầu của Bác là ai? Họ đang làm gì và sinh sống ở đâu?
Cuối tháng 5 năm 1946, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hoà Pháp. Người đã đi thăm những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của nước Pháp, một đất nước có nền văn hoá lâu đời. Người đã tiếp xúc, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Pháp. Người cũng đã gặp gỡ, nói chuyện với các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học và bà con Việt kiều…
Ngày 27 tháng 7 năm 1946, Việt kiều Pháp tổ chức buổi chiêu đãi chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại vườn hồng Batagen trong lâu đài D’Artois, nằm ở ven rừng Bôlônhơ. Ông Raymông Ôbrắc – cựu Ủy viên Cộng hoà ở Mácxây, nghị sĩ Quốc hội Pháp đã được mời tới dự buổi chiêu đãi. Tại đây ông được giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lúc chuyện trò với ông Raymông Ôbrắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn ông về những việc ông đã làm cho nhân dân Việt Nam hai năm trước ở Mácxây. Ông Raymông Ôbrắc ngỏ ý mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình, Người vui vẻ nhận lời và nói: "Tôi sẽ sung sướng nếu được đến vườn của ông, ông bạn thân mến ạ. Vậy tuần sau, vào giờ uống trà buổi chiều tôi đến thăm gia đình ông được chứ?"1.
Đến thăm căn nhà và khu vườn của gia đình ông Raymông Ôbrắc (ở 190 đường Soisy sous Montmorency, quận Seine et Oire2, cách Thủ đô Pari 10 km), Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thích. Ngày 28 tháng 7, Người chuyển về đây ở. Ông Ôbrắc và bà Luyxi, vợ ông, là những người có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản và rất kiên cường trong cuộc đấu tranh chống phát xít.
Ông Raymond Aubrac, một người bạn Pháp thân thiết của chủ tịch Hồ Chí MinhÔng Raymond Aubrac, một người bạn Pháp thân thiết của chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 15 tháng 8 năm 1946, bà Luyxi sinh một bé gái tại bệnh viện phụ sản Bôđơlốc ở đại lộ Po Roayan, quận 5, Pari. Em bé được đặt tên là Êlidabét. Bác Hồ đã đến bệnh viện thăm, tặng quà và nhận Êlidabét làm con đỡ đầu. Người gọi Êlidabét là Babét (Babette). Gia đình ông Ôbrắc vô cùng vui sướng và hạnh phúc. Vào những dịp sinh nhật Babét, Người thường gửi thư và quà tới ông bà Ôbrắc và con gái đỡ đầu của mình. Quà của Bác là quả cầu nhỏ hay một con trâu bằng ngà, có khi là một bức ảnh chân dung của Người, hoặc một đồng tiền vàng có mang hình Bác và đặc biệt là tấm lụa vàng để Babét may áo cưới.
Babét sau này là giáo viên và có ba người con. Những món quà của Bác Hồ tặng, Babét vẫn giữ gìn như những kỷ vật. Babét đã nói với chồng và các con: "Chúng ta đang sống lại một kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong đời mà Bác Hồ đã dành cho chúng ta".
Còn Knuth Wolfgang Walther Hartmann ở miền nam nước Đức thì lại có vinh dự được làm con đỡ đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi có ngày sinh trùng với ngày sinh của Người: 19 tháng 5 năm 1951. Chính vì sự trùng hợp ngẫu nhiên này mà ông bà Walter R. Harlmann, cha mẹ của Knuth, đã gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ cảm tình ủng hộ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam và xin Người nhận Knuth Wolfgang Walther Hartmann làm con đỡ đầu.
Tại Việt Bắc, mặc dù bộn bề công việc để lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống Pháp và kiến thiết đất nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư trả lời ông bà Hartmann. 5 tháng sau ngày gửi thư, ông bà Hartmann đã nhận được thư trả lời của Người. Bức thư được đánh máy trên giấy với nội dung:
"CHỦ TỊCH PHỦ
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập Tự do Hạnh phúc
Gởi:
Bà và ông Walther R. Hartmann
Postamtsvorsteher
E. Thalmanr – Strasse 13
Sebaitz (Sachs)
Tôi thân ái mừng bà và ông vừa có cháu trai là Knuth Wolfgang Walther Hartmann.
Tôi cảm ơn bà và ông đã gửi thư và ảnh cho tôi. Và tôi rất vui lòng nhận cháu làm con đỡ đầu. Tôi gởi biếu cháu một bức ảnh nhỏ và một đồng Việt Nam để làm kỷ niệm. Tôi chắc rằng ở trong nước Đức dân chủ nhân dân và dưới sự chăm sóc của Chủ tịch W. Pieck và của Đảng, bà và ông sẽ nuôi dạy cháu mau lớn, vui vẻ, mạnh khoẻ, mai sau cháu sẽ thành một chiến sỹ tốt trong sự nghiệp phát triển nước Đức xã hội chủ nghĩa, gắn chặt tình thân thiện giữa hai dân tộc Đức – Việt và giữ gìn dân chủ cùng hoà bình thế giới.
Tôi gởi bà và ông lời chào thân ái, và gởi cháu nhiều cái hôn.
VIỆT NAM. 15-9-51
HỒ CHÍ MINH"
Nhận được thư của Bác, gia đình ông Hartmann vô cùng xúc động, bởi tình cảm và sự quan tâm mà Người đã dành cho gia đình ông. Vào dịp Knuth Wolfgang Walther Hartmann tròn 3 tuổi, ngày 19 tháng 5 năm 1954, Bác gửi tặng gia đình ông Hartmann một bức ảnh Người. Bức ảnh Người chụp chung với một bé gái, phía sau Bác viết:
"Thân ái gởi con đỡ đầu yêu quí Knuth Wolfgang W. Hartmann. Việt Nam, 19-5-1954 – Hồ Chí Minh"4.
Gia đình ông Harmann rất trân trọng những tình cảm của Bác Hồ dành cho họ. Các bức ảnh chụp chung trong dịp Người sang thăm Cộng hoà dân chủ Đức được lưu giữ như những kỷ vật, dù thời gian trôi qua đã nhiều năm. Còn với người con đỡ đầu của Bác, dù lúc còn học ở trường, khi tham gia quân đội hay là cán bộ kỹ thuật làm việc tại một xí nghiệp lai bò giống, Knuth đều mang theo bên mình một trong những tấm ảnh chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Còn cô bé người Nga, Irina Đimitơriépna Đênia, được Bác Hồ nhận làm con đỡ đầu trong trường hợp khác.
Irina Đimitơriépna Đênia sinh vào mùa xuân năm 1958, là con của nhà báo X. Côlôxốp (X. Côlôxốp từng là phóng viên của Thông tấn xã Liên Xô APN) và vợ là bác sĩ Anna Xtaxia Vaxilépna, ở thành phố Giucốpxki, ngoại ô Mátxcơva. Mặc dù chưa một lần được gặp hay nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng với tấm lòng kính yêu Bác, nên khi sinh con gái họ đã viết thư gửi Người. Bức thư viết:
"Chúng cháu được biết, tình yêu của Người đối với trẻ em và của trẻ em đối với Người vô cùng sâu sắc. Theo phong tục Nga cổ truyền, một phong tục tốt đẹp ở nước Nga, chúng cháu chân thành đề nghị Người làm cha đỡ đầu của đứa con nhỏ của chúng cháu – con gái tên là I-ri-sơ-ca"5.
Không lâu sau ngày gửi thư, gia đình Điôminnưi đã nhận được thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác viết:
"Cô An-na Xta-xi-a Va-xi-lép-na và chú Đi-mi-tơ-ri Gơ-ri-gô-rê-vích thân mến!
Tôi đã nhận được thư của cô chú và chân thành cảm ơn cô chú đã mời tôi làm cha đỡ đầu cho con gái của cô chú. Tôi mong rằng sự nhận lời của tôi sẽ thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô.
Hôn con gái đỡ đầu bé nhỏ của tôi và chúc cháu được mạnh khoẻ, hạnh phúc. Chúc cô chú đạt nhiều thành tích trong công tác, trong cuộc sống.
Chào thân ái,
HỒ CHÍ MINH"
Cùng với lá thư, còn có một bức ảnh chân dung của Người, trên đó viết dòng chữ Nga: "Hôn con I-ra-sơ-ca, chúc con mạnh khoẻ và hạnh phúc!
Cha nuôi Hồ"
Đến tháng 5 năm 1960, gia đình X. Côlôxốp nhận được thư tiếp theo của Bác. Trong thư Người viết:
"Tôi đã nhận được thư của cô chú.
Tôi gửi lời chào thắm thiết nhất tới bé I-ra-sơ-ca. Chúc bé khoẻ, hạnh phúc.
Hôn bé.
HỒ CHÍ MINH"
Tháng 11 năm 1960, Irasơca và bố mẹ đã được gặp Bác Hồ tại một ngôi nhà trên phố Alếchxây Tônxtôi, nhân dịp Người cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang Mátxcơva dự lễ kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra rất tình cảm và thân mật. Bác mời gia đình Irasơca cùng ăn trưa với Người.
Trong khi nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian viết thư trả lời con gái đỡ đầu yêu quý của mình. Sau này Irina phục vụ trong ngành công an, rồi cùng chồng là Igo Tribixốp, cán bộ ngành hàng không dân dụng khai thác dầu khí ở Chiumen (Tây Xibiari). Họ sống ở làng Taôgiơnưi và có một con gái là Varônica.
Việc Bác Hồ nhận những cháu bé người Pháp, Đức và Liên Xô làm con đỡ đầu đã thể hiện tấm lòng nhân ái và sự quan tâm của Bác dành cho thiếu nhi quốc tế, và cũng qua đó càng làm tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp, nhân dân Cộng hoà dân chủ Đức và nhân dân Liên Xô anh em./.