Tỉnh dậy, đôi ba vệt máu trên chiếc ga trắng của khách sạn, cô học trò ngồi lặng lẽ trong góc phòng và trái tim đầy tội lỗi của thầy. Thầy muốn bù đắp cho em tất cả, nhân tình của thầy. Thầy nhớ em, nhớ đôi môi ngọt ngào, nhớ cái nhíu mày đau đớn, nhớ từng cơn quằn quại mê đắm.
***
Thời còn học phổ thông, không phải lúc nào cũng là đứa giỏi nhất trường, nhưng chưa bao giờ nó để tụt khỏi tóp đứng đầu. Thỉnh thoảng, nó cũng thú nhận một phần thành tích học tập của mình phải nhờ vào cái chức trưởng phòng giáo dục của ba nó. Phần còn lại nằm ở trí thông minh, sự nhanh nhẹn của bản thân mà có.
Nói ra để mà tự hào chứ trong địa bàn tỉnh, nó không thiếu gì giải này, giải nọ, bằng khen này, bằng khen kia. Song, cũng chỉ dừng lại ở đó. Thỉnh thoảng, nó càu nhàu “Sao ba không làm cái chức gì gì đó ở trên tỉnh hay trung ương luôn, có thế con mới lấy được giải quốc gia chứ!”
Ba nó cười quá chừng “Chuyện học hành, thi cử, giải thưởng các thứ là chuyện của con chứ, công việc của ba ở đâu, chức vụ lớn hay nhỏ không thể đêm về thành tích cho con, nếu bản thân con không cố gắng.”
Nói thì nói thế thôi, chứ đã không ít lần ông trưởng phòng ra mặt can thiệp sâu sắc đến kết quả học tập của con mình.
Đó là chuyện của thời phổ thông. Một học sinh thuộc nhóm ưu tú của cả tỉnh thì không thể không đậu đại học. Nói đến chuyện thi đại học của nó cũng nhiêu khê lắm. Ba nó phải cắt cử con xe bốn chỗ mang biển số xanh hiếm hoi của phòng vẫn thi thoảng chở ông đi họp, đưa nó vào tận Sài Gòn. Ông đích thân len lỏi khắp nơi tìm thầy kiếm lớp cho con gái ôn cấp tốc. Mẹ nó bỏ dạy thêm cả tháng trời ở với con lo cơm nước cho cô tú yên tâm ăn học.
Rồi thì nó cũng đậu. Ba má nó mở tiệc ăn mừng to đến để, bao nhiêu là giáo viên của cả huyện đến dự, có khi đến cả vài trăm người chứ chẳng chơi. Nhưng chả ai giám hỏi han gì đến chuyện điểm chác, tin nó đậu làm cho khối người mừng hú vía ra kia rồi còn gì. Mà thực ra họ có muốn thấp thỏm lo lắng cho chuyện đậu với rớt của con gái nhà ai đó đâu. Họ cũng chỉ vì chữ “nể” cứ kéo dài hết năm này qua năm khác theo một dây chuyền ngoằn ngoèo đấy thôi.
Dù sao, chuyện cũng được xem đã cũ. Bây giờ, nó đang là sinh viên khoa kinh tế của một trường đại học tận trong thành phố Hồ Chí Minh.
***
Kỳ đầu, nó mê miết trong cái thành tích rực rỡ mới đạt được nên quên luôn việc học hành. Cũng có khi, nó quen rồi việc không học vẫn được điểm cao nên tự cho bản thân cái quyền nghỉ xả hơi một kỳ thì đã sao.
Nó đã sai. Lần đầu tiên nó ném trải cảm giác hụt hẫng khi nhìn đám bạn nao nức đi nhận học bổng. Chưa bao giờ nó thấy xấu hổ đến vậy khi mà số điểm gần như thấp nhất lớp. Nó đóng cửa phòng khóc sướt mướt. Nhưng thay vì tự trách bản thân ham chơi, chủ quan, ỷ lại, nó dồn tất cả mọi bực tức lên bao thứ vô tội xung quanh mà nó vớ được. Chiếc Laptop hiệu Apple mới được ông phó phòng của ba nó tặng hôm liên hoan, bị nện đánh đốp xuống sàn, đá phăng vào góc giường. Nàng Samsung Galaxy Note II mắc kẹt luôn trên boong gió, chỉ mỗi cục pin rớt xuống tròng trành. Cái máy ảnh Canon có giá cả ngàn đô được đồng nghiệp của má nó tặng mừng con gái đậu đại học, bị đập vỡ toan ống kính. Mặc kệ, nó đập đồ của nó thì hơi đâu mình xót. Mà đó cũng toàn đồ được cho, biếu, tặng hay gì gì đó chứ có phải đồ mồ hôi nước mắt, công sức gì của nó bỏ ra đâu mà biết xót.
Đập chán, nó nằm ườn luôn trong phòng mất mấy ngày. Nhưng nó là đứa hiếu chiến, hiếu thắng chẳng lẽ lại chịu thất bại dễ dàng vậy sao. Không, nó không thể để yên mà gặm nhấm sự thua cuộc nhục nhã này. Nó phải làm gì đó.
Bình tâm mà suy ngẫm thì nó thật sự không thể vượt qua đám bạn mà theo nó là đáng ghét kia. Bọn chúng học đêm, học ngày, còn chưa tính đến chuyện tất cả đều là những gương mặt sáng giá từ bao miền đất nước tụ họp chứ có đâu trong một tỉnh, huyện hay xã như trước kia. Nó chưa hề phải cắm đầu cắm cổ học đến quên ăn như bọn nó. Vậy là rõ, chắc chắn quang minh chính đại mà cạnh tranh, rõ ràng nó sẽ thua. Mà nó thì không chấp nhận thua. Nó phải ra trường với tấm bằng đỏ để tất thảy mọi người phải dẹp bỏ ý nghĩ “con nhỏ núp dưới bóng ông trưởng phòng” lâu nay.
Cách này không được, phải nghĩ cách khác. Cách khác là cách nào mới được chứ? Ở đây người ta không biết đến ông trưởng phòng giáo dục của một huyện xa xôi nào đó trong bao nhiêu huyện của cả nước này.
Đôi lúc, nó muốn buông xuôi cho thanh thản. Có tấm bằng đại học ra trường, thể nào ba nó cũng thu xếp cho con gái một công việc nhàn nhã, đâu nhất thiết phải đỏ hay xanh. Nghĩ vậy, tự dưng nó thấy nhẹ lòng.
Nó lại cắp sách đến trường, tươi xinh như đọt cỏ non sau cơn mưa rào.
Khổ nỗi, đám bạn mới nhận học bổng cứ xúm xít khao cả lớp chè cháo gì đó. Rồi thì bọn chúng trở thành thần tượng của lớp nữa mới tức chứ. Một đứa quen được bao bọc trong thành tích, trong nuông chiều như nó làm sao xóa đi cơn ganh tị đang dâng lên.
Hôm sau, nó đến lớp với bộ dạng khác hẳn, hòa đồng và đầy trách nhiệm. Nó chủ động chia sẽ công việc cùng lớp trưởng, tham gia tích cực các phong trào của lớp, năng nổ trong các hoạt động đoàn, hội của trường. Từ xưa đến nay, những việc như thế này làm sao đánh đổi được niềm đam mê shopping, thời trang, ăn uống và ngủ của nó chứ.
Nỗi “thống khổ” của nó cuối cùng cũng kết thúc. Những gì đang và đã diễn ra chỉ mình nó rõ. Chỉ biết, chưa hết một học kỳ, nó đã quay về với con người cũ: thờ ơ, kiêu căng, chảnh chọe.
Kỳ ấy, kết quả học tập của nó xoay chuyển đến chóng mặt. Nó vượt lên đứng nhì lớp. Duy chỉ có một người, biết nó không xứng đáng, một người vừa là nạn nhân đồng thời là bệ đỡ cho dãy những con điểm đáng lý ra không thuộc về nó.
…
Hai năm trước.
– Thầy ơi! Em xin phép được mời thầy ly nữa!
Sao thứ giọng con gái mười chín, đôi mươi ngọt như mật mía vậy chứ. Đôi bàn tay thon dài, mềm mại kia cứ cố tình lướt khẽ qua cánh tay cứng cỏi của người đàn ông trung niên đến nhũn nhại. Đôi môi căng mọng chúm chím cười. Cả thân hình phây phẩy tròn đầy kia chừng như dính chặt lấy cái thân hình đã dày dạn với thời gian. Nó đang rạo rực chờ đón một vòng tay, mời gọi cái nhìn cháy bỏng.
Thầy trưởng khoa thì vẫn là đàn ông đấy thôi, là người với đầy đủ những giác quan, những cảm xúc để không tránh khỏi sự kêu gọi của ham muốn thể xác.
– Để em đưa thầy về, thầy say rồi.
Tỉnh dậy, đôi ba vệt máu trên chiếc ga trắng của khách sạn, cô học trò ngồi lặng lẽ trong góc phòng và trái tim đầy tội lỗi của thầy. Thầy muốn bù đắp cho em tất cả, nhân tình của thầy. Thầy nhớ em, nhớ đôi môi ngọt ngào, nhớ cái nhíu mày đau đớn, nhớ từng cơn quằn quại mê đắm.
Có một điều, thầy cũng sẽ biết là những thước phim mà chỉ có thầy và nó là diễn viên. Những thước phim để chắc chắn rằng không bao giờ suất học bổng tụt khỏi tay nó.
Thỉnh thoảng, nó lại thầm cảm ơn ba nó. Có lẽ, ông chính là người đã vô tình gián tiếp dậy nó phương cách này chăng. Phương cách của bao cô giáo trẻ được ba nó đặt cách đề xuất biên chế mà không qua thử việc hay hợp đồng như cô Phương mà nó tình cờ biết qua chiếc “lap” của ba hôm nào.
Bây giờ, đã cuối năm thứ ba. Kỳ này, nó cũng sẽ được nhận học bổng như bao kỳ trước. Chỉ còn một năm nữa nó sẽ ra trường, cũng có nghĩa tấm bằng đỏ đang ngày một gần hơn với nó. Liệu tấm bằng đỏ kia có thực sự xứng đáng với những gì nó đã bỏ ra để đánh đổi.