- Nguyên nhân thứ hai: đối tượng bên ngoài
Khi đã có thói quen sân giận, thì ta cũng dễ gặp những chuyện bực mình, và ta đổ thừa "tại vì nó mà tôi nổi sùng." Tâm và cảnh thu hút lẫn nhau như nam châm hút sắt. Vì ta dễ nổi nóng cho nên cũng dễ gặp những người, việc làm ta nổi nóng. Nhiều khi đối tượng của sự tức giận chỉ là một cái cớ (excuse) chứ không phải là một lý do (raison). Lý do chính là cái tâm không được điều phục, kiểm soát.
- Nguyên nhân thứ ba: môi trường sống
Con người gọi là y báo, hoàn cảnh là chính báo, hai cái luôn đi đôi với nhau. Phần nhiều con cái chịu ảnh hưởng của gia đình, nhất là những thói hư tật xấu. Cha mẹ ưa cãi nhau thì con cái cũng ưa cãi. Những thói bạo động, tham lam của trẻ phần lớn là do ảnh hưởng của xã hội và gia đình. Ảnh hưởng của phim ảnh, quảng cáo truyền hình, sách báo… đều hỗ trợ cho sự tác thành một con người, ngoài nghiệp đời trước mà kết sinh thức mang lại.
Ba nguyên nhân vừa kể có tương quan mật thiết và đều thuộc về quả "dị thục" (chín vào thời khác). Mỗi nghiệp thiện hay ác đã làm đều đưa đến ít nhất ba thứ hậu quả: một là thói quen, hai là quả báo chính thức (thân thể), ba là quả báo hoàn cảnh hay môi trường. Ví dụ hiện tại làm nhiều nghiệp sát hại thì đưa đến thói ưa giết hại trong đời sau, gọi là quả báo thói quen, sinh làm người nhiều bệnh tật, tai nạn, chết yểu vân vân gọi là quả báo chính thức, sinh vào một nơi có nhiều chiến tranh nhiều kẻ thù gọi là quả báo môi trường. Về thiện nghiệp cũng thế. Quen hành thiện trong đời hiện tại thì tương lai cũng ưa làm việc thiện, đó là quả báo thói quen, sinh làm người khỏe mạnh đẹp đẽ gọi là quả báo chính thức, sinh vào gia đình lương thiện, hiểu đạo, ở chỗ tốt lành gọi là quả báo môi trường. Biết như vậy thì ta sẽ cẩn thận khi gieo nhân, và không than trách khi gặp quả xấu vì tính tình ta, môi trường ta sống… đều liên hệ mật thiết đến nhân ta đã gieo.
- Nguyên nhân thứ tư: tà thuyết, thầy bạn xấu
Như Angulimala theo một thầy dạy rằng giết đủ ngàn người sẽ thành Phật nên đã trở thành một kẻ cướp ghê gớm vào thời Phật. Hoặc vua A xà thế theo bạn ác là Devadatta nên đã phạm tội giết cha.
- Nguyên nhân thứ năm: vọng tưởng nổi bật
Trong sáu phiền não gốc tham sân si mạn nghi và tà kiến, người nặng về thói nào thì dễ đọa về thói ấy nếu không coi chừng và không áp dụng biện pháp chữa trị thích ứng. Có người nhẹ về việc đời, nặng việc đạo, ham tu, nhưng lại gặp thầy tà bạn ác, rốt cuộc chẳng ích lợi gì mà càng thêm tai họa cho bản thân và gia đình.
- Nguyên nhân thứ sáu: thói ưa phóng đại
Tục ngữ nói khi yêu trái ấu cũng tròn, đấy là thói phóng đại những ưu điểm nơi người và vật hợp ý mình, bóp méo sự thật.
Ngược lại đối với người và vật ta ghét, ta lại có thói phóng đại những khuyết điểm, hoặc dù họ có làm gì tốt, ta cũng cho là giả dối.
3. Cách chuyển hóa đau khổ (chuyển phiền não thành bồ đề)
Chúng ta đã thấy rằng khổ vui là vấn đề cảm thọ, và có cảm thọ là do có tâm. Như vậy muốn hết khổ thì việc cốt yếu là chuyển cái tâm hiện tại của ta. Không chuyển tâm mà chỉ thay đổi hoàn cảnh, thì không bao giờ có giải thoát thực sự, mà chỉ là thay đổi kiểu đau khổ. Tu hành nói gọn chính là việc chữa trị tâm bệnh, hay chuyển tâm.
Ba phương pháp chính yếu để vượt thoát khổ đau được đề cập trong hầu hết kinh sách đại thừa theo truyền thống Tây tạng là từ bỏ, bồ đề tâm và chính kiến. Đấy là ba yếu tố giúp ta không những chuyển hóa được phiền não hiện tại mà còn tiêu trừ được vô lượng ác nghiệp và khổ báo nhiều đời, đưa đến giải thoát giác ngộ như Phật.
Từ bỏ là từ bỏ cái thấy sai lạc về một cái tôi riêng rẽ, biệt lập với tất cả cái khác, mà không thấy lý duyên sinh nhân quả chằng chịt giữa tôi với tất cả mọi người mọi vật trong thời gian cũng như không gian. Khi từ bỏ cái thấy nặng ngã chấp thì đồng
thời cũng bỏ được hay giảm bớt vô số đau khổ kèm theo. Chẳng hạn khi ta phải sống trong một môi trường hay cãi cọ, mọi người ưa gây sự với ta, thay vì cảm thấy khó chịu, đau khổ, bực tức, ta sẽ nhớ lại rằng hoàn cảnh này là dư báo của quá khứ, có lẽ trong quá khứ ta đã từng gây nhiều oan trái với họ, bây giờ đến lúc trả. Ta nên vui vẻ mà trả nợ, đây là cơ hội tốt. Khi nghĩ vậy ta sẽ không gây thêm oan trái, mà còn có thể giải trừ được những oán thù đã qua. Trong Kinh Kim Cương Phật dạy ai tụng kinh ấy mà bị người khinh chê thì sẽ tiêu trừ được quả báo ác nghiệp nhiều đời trước, và mau đắc đạo. Ngược lại khi gặp thuận cảnh, như được vinh dự, được thăng chức, được nhiều tiền… ta sẽ từ bỏ bám víu tiền tài danh vọng, nhớ lời Phật dạy về vô thường, vô ngã để đem san sẻ cho người khác những gì ta có. Tu tập như vậy thì dù có bị mất mát bớt tài sản ta không buồn khổ lắm, vì ít ra cũng đã sử dụng tài sản vào một vài việc hữu ích. Khi được ta không bo bo giữ của mà ban phát rộng rãi để thêm nhiều người được sung sướng. Shakespeare có câu thơ: "Virtue is twice blessed: it blesses him that gives and him that takes." 0 Người ích kỷ chấp ngã tóm lại là người đau khổ nhất, dù có sở hữu toàn thếâ giới.
Như vậy, cần hiểu đức tính TỪ BỎ có nghĩa là từ bỏ thói tham lam, chấp thủ bản ngã hẹp hòi, chứ không phải cạo đầu lên rừng tu khổ hạnh mới gọi là từ bỏ.
Chính kiến là có cái nhìn đúng như thật về bản thân, mọi người và thế giới, nên trong không bị tham sân chi phối, ngoài không bị giả tướng đánh lừa.
Khi chấp ngã, ta thường có cái nhìn sai lạc về bản thân và mọi thứ bên ngoài. Cái gì hợp với ta đều tốt. Cái gì chống lại ta đều xấu. Sự tốt xấu mà ta gán cho người hay vật khác đều do tâm phân biệt tùy hứng của ta, hoàn toàn không dính dấp gì đến người hay vật. Mọi sự là "tính không." Ví dụ, cùng một cảnh vật ấy, đối với người này là thiên đường mà đối người khác lại là địa ngục. (Ví dụ sự xuất hiện của bà vợ nhỏ: ông chồng thấy như tiên, bà vợ lớn thấy như quỷ. Kỳ thực bà vợ nhỏ không tiên cũng không quỷ, tiên quỷ đều do tâm người nhìn, không có một thực tại tương ứng, nên gọi là tính không. Không tiên không quỷ, chứ không phải không có bà vợ nhỏ.) Hoặc cùng một con người ấy lúc đầu ta cho là bạn, lúc sau ta cho là kẻ thù. Tất cả quan niệm trái ngược như vui khổ tốt xấu bạn thù … đều do tâm chấp ngã phát sinh. Sự thật hoàn toàn không có những thuộc tính do ta thêm thắt vào như vậy, nên gọi là tính không.
Thấy được như vậy tạm gọi là có chính kiến về tính không. Có chính kiến thì ta không còn bị dẫn dắt bởi cơn thịnh nộ khi gặp người mà ta cho là kẻ thù, cũng không bị lôi cuốn bởi sự ái luyến khi gặêp người mà ta cho là bạn thân thiết, cũng không thờ ơ lãnh đạm khi gặp một người mà ta cho là người dưng. Cả ba thái độ đều do chấp thủ bản ngã mà có.
Có được hai yếu tố trên đây, chính kiến về tính không và từ bỏ cái thấy đầy ngã chấp cùng tất cả thói xấu kèm theo (như phóng đại ưu điểm của những gì ta ưa, thổi phồng khuyết điểm của những gì ta ghét), đồng thời tu tập những tính như nhẫn nhục (do thấy rõ nhân quả), khiêm cung (do thấy vô thường, duyên sinh, không có gì là tôi và của tôi thực sự), là đã sống được một cuộc đời giải thoát an vui. Tột đỉnh của sự tu tập này là quả vị a la hán, đạt giải thoát cho bản thân, thoát ngoài hệ lụy sinh tử luân hồi, nhưng chưa đạt đại giác ngộ, thành Phật để cứu vớt chúng sinh. Bởi vậy cần có một yếu tố quan trọng hơn tất cả trên đường tu tập, đó là tâm bồ đề. Có phát tâm bồ đề mới đi đúng quỹ đạo của Phật và thành Phật được. Nên bồ đề tâm được gọi là hạt giống Phật, và trong kinh điển đại thừa, chỉ có Bồ tát, người đã phát tâm bồ đề và đang thực hành hạnh lợi tha, mới được gọi là Phật tử, người con đích thực của Phật.
Bồ đề tâm là cái tâm lợi tha cầu giác ngộ thành Phật để có thể cứu giúp vô lượng chúng sinh. Nhưng trước khi có được tâm bồ đề, thì cần phải từ bỏ cái thấy sai lạc là có một cái tôi biệt lập không dính dấp gì đến người khác, và có chính kiến rằng mọi sự khổ hay vui đều không thực có, đều do tâm chấp ngã tạo ra.
Ngõ rẽ giữa tiểu thừa và đại thừa nằm chính ở chỗ này, là trong khi tiểu thừa nhắm mục đích triệt tiêu, hủy diệt bản ngã, hủy diệt dục vọng vì cho nó là nguồn gốc đau khổ, thì pháp tu đại thừa trái lại, chuyển hóa dục vọng thành tâm bồ đề, chuyển đam mê -passion- thành tâm đại bi, compassion. Đại thừa chuyển hóa vị kỷ thành vị tha, xem tất cả chúng sinh như chính bản thân mình, để từ đó, mưu cầu hạnh phúc cho tất cả chúng sinh bằng bồ đề nguyện và bồ đề hạnh. Và nhờ có tâm bồ đề mà ta chuyển hóa được tất cả nghịch cảnh trên đời thành pháp tu. "Lâm nhất sự, trưởng nhất trí": chuyển oan gia thành bạn đạo, chuyển bệnh tật thành thuốc hay. Vận dụng được tâm bồ đề thì tăng trưởng vô lượng phước đức và diệt trừ vô biên nghiệp chướng. Vậy bồ đề tâm là cách chuyển hóa khổ đau tốt nhất trong bất cứ trường hợp nào. Và sở dĩ ta có thể chuyển hóa được, là vì mọi thứ ta thấy theo kiểu chấp ngã thông thường đều không thực, khổ vui và mọi đối đãi khác như ta bà tịnh độ vân vân đều do tâm ta tưởng tượng. Cả hai đều không thực chất, tính không, đều do tâm biến. Nhưng chúng sinh thì "biến" theo lối ích kỷ hẹp hòi chấp ngã, đem lại đau khổ cho mình và mọi người mọi vật, còn kiểu "biến" của Bồ tát thì đem lại giải thoát an vui cho mình và tất cả chúng sinh. Bởi vậy ta nên học cách "biến" của Bồ tát thì đỡ khổ bội phần, và công đức vô lượng.
Vậy, đại thừa trên phương diện lý là thấy rõ tính không, không thật có một bản ngã, nhưng khi tu tập thì sử dụng tự ngã để tu hành, nghĩa là "suy bụng ta ra bụng người". Suy từ bản thân không thể chịu nổi khổ đau, nên cẩn thận không gieo đau khổ cho bất cứ ai. Suy từ bản thân muốn được tuyệt đối an lạc, nên tìm cách đem lại an vui tuyệt đối cho tất cả mọi loài. Bởi vậy, đào luyện từ bi phải bắt nguồn từ tự ngã. Và từ bi chính là căn bản để phát tâm bồ đề.
Kinh sách truyền thống đại thừa của Tây tạng ghi có bảy giai đoạn đưa đến sự phát bồ đề tâm:
· Thứ nhất là tâm xả: xem tất cả chúng sinh bình đẳng, không chia thân, thù, dửng dưng. Đối với người ta đặc biệt yêu mến, nên nghĩ trong quá khứ có thể họ đã hại ta mà ta không nhớ. Vậy không lý do gì để quy