Ngay từ khi tôi còn thơ ấu, Ba vẫn thường kể câu chuyện về Kim Các Tự cho tôi nghe.
Tôi ra đời trên một mũi biển hiu quạnh nhô ra ra biển Nhật Bản ở phía đông bắc Maizuru. Tuy nhiên, nguyên quán của Ba không ở đây mà ở Shiraku, miền ngoại ô phía đông thành phố Maizuru. Ba được thúc đẩy gia nhập giáo hội và trở nên tu sĩ trụ trì một ngôi chùa tên một mỏm đất xa xôi. Ba lập gia đình ở nơi này và sinh ra một đứa con trai, ấy chính là tôi vậy.
Trong khắp miền lân cận ngôi chùa, trên mỏm đất Nariu, không hề có một trường trung học nào thích hợp cho tôi. Kết cục, tôi phải rời cha mẹ đến ngụ ở nhà chú tôi tại sinh quán của Ba ngày trước; trong thời gian sống ở nơi này, tôi theo trường trung học Đông Maizuru, cuốc bộ đi học cũng như lúc về nhà.
Bầu trời nơi quê cũ của Ba rất trong sáng. Nhưng mỗi năm vào tháng mười một và mười hai ngay trong những ngày trên trời dường như không có lấy một cụm mây, mỗi ngày chúng tôi vẫn bị bốn năm trận mưa rào đột ngột đổ ụp xuống đầu. Tôi nghĩ là chính vì miền đất này mà tôi đã có cái tâm tính thực là hay thay đổi.
Vào những chiều tháng Năm, sau khi đi học về, tôi thường ngồi trong phòng học trên tầng gác thứ nhì trong căn nhà chú tôi và mơ màng ngắm nhìn những vì ngọn đồi trước mặt. Ánh chiều tà lấp lánh trên các cành lá non bao phủ sườn đồi trông như giữa những cánh đồng người ta đã dựng lên một bức bình phong bằng hoàng kim óng ánh. Mỗi khi trông thấy cái này, tôi lại tưởng tượng đến hình ảnh Kim Các Tự.
Mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy Kim Các Tự thật sự trong các tấm ảnh và các sách giáo khoa, song hình ảnh chế ngự tâm hồn tôi vẫn là hình ảnh Kim Các Tự theo lời Ba miêu tả. Ba chưa bao giờ kể cho tôi nghe là Kim Các Tự thật sự óng ánh hoàng kim hoặc có một vẻ gì na ná như thế; tuy vậy, theo Ba, trên khắp trái đất này chẳng có gì đẹp đẽ cho bằng Kim Các Tự hết. Vả lại, chính mặt chữ và chính âm ận của từ ngữ đã gán cho Kim Các Tự một vài tính chất hoang đường nào đó in sâu trong tâm khảm tôi.
Khi nhìn ánh mặt trời, tôi cảm thấy chắc chắn đó là một ánh hoàng kim do ngôi chùa vô hình rọi đến. Hiệp lộ Yoshizaka, ranh giới giữa huyện Fukui và phủ Kyoto thực sự nằm ở hướng đối nghịch, tôi vẫn quen nhìn thấy Kim Các Tự hiện hình vụt lên bầu trời buổi sớm giữa những ánh triêu dương trong khi mặt trời lên sau những rặng đồi chập chùng ở phía đông.
Như thế là Kim Các Tự hiển hiện ở khắp mọi nơi. Chừng nào mà tôi chưa được thực sự để mắt ngắm nhìn, Kim Các Tự vẫn còn giống như bể cả. Vì mặc dù vịnh Maizuru chỉ cách làng Shiraku nơi tôi cư ngụ có ba dặm rưỡi về phía Tây, những ngọn đồi vẫn chặn lấp không cho người ta nhìn thấy nước bể; tuy vậy trong không khí luôn luôn phảng phất một thứ dự cảm về bể cả; một đôi khi gặp thời tiết xấu, từng đàn chim hải âu bay xà xuống những cánh đồng kế cận để tìm chỗ ẩn náu.
Tôi vốn yếu đuối và tôi vẫn luôn luôn bị những thằng bạn khác đánh bại trong những cuộc chạy đua hay là đánh thiết bổng. Ngoài ra, ngay từ khi lọt lòng tôi đã mắc tật nói lắp và cái tật này lại càng làm cho tôi có khuynh hướng khép kín không ưa giao tế hơn. Và ai nấy đều biết tôi là con một thầy tu ở chùa. Một vài thằng bé tai ác vẫn thường chế nhạo tôi bằng cách bắt chước một tu sĩ nói lắp trong khi ông ta đang khó nhọc mà lắp bắp từng câu kinh. Trong một quyển sách của chúng tôi có một câu truyện trong đó xuất hiện một nhà trinh thám nói lắp và mấy thằng kia thường đặc biệt cao giọng đọc những đoạn đó cho tôi nghe.
Chẳng cần phải nói là tật nói lắp của tôi đã dựng một chướng ngại vật giữa tôi và ngoại giới. Tôi vẫn thường vấp váp khi phát ra âm thanh đầu tiên. Cái âm thanh đầu tiên này giống như một cái chìa khóa của cánh cửa ngăn cách thế giới nội tâm của tôi và thế giới và thế giới ngoại tại, và tôi chưa bao giờ được thấy cái chìa khóa này xoay vặn trơn tru trong ổ khóa. Phần lớn người đời nhờ tài nói năng trôi chẩy có thể giữ cho cánh cửa giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài luôn mở rộng để cho không khí tự do qua lại giữa hai thế giới này, nhưng với tôi thì điều đó hoàn toàn không thể có được. Trên chìa khóa đã có một lớp rỉ sắt dầy đặc mất rồi.
Khi một kẻ nói lắp vật lộn một cách tuyệt vọng để thốt ra được âm thanh đầu tiên, hắn ta thực giống như một con chim bé nhỏ đang cố gắng gỡ mình ra khỏi một vũng bùn dầy đặc. Cuối cùng khi nó xoay xỏa để tự giải thoát thì đã quá muộn mất rồi. Tất nhiên là có những lúc mà thực tế của thế giới bên ngoài dường như đã chờ đợi tôi, khoanh tay nơi nó đứng trong khi tôi đang cố gắng vật lộn để tự giải thoát. Nhưng cái thực tại đang đợi chờ tôi không phải là một thực tại tốt tươi. Khi mà cuối cùng sau biết bao cố gắng mới tới được thế giới bên ngoài tôi chỉ còn thấy một thực tại vừa mới tức thời thay đổi màu sắc và vượt ra ngoài tiêu điểm – một thực tại đã mất hết các màu sắc mới mẻ mà tôi coi là thích hợp với chính mình, và đến lúc đó đã bốc ra một mùi hôi hôi ung ủng.
Như ai nấy có thể tưởng tượng dễ dàng, một thiếu niên như tôi sẽ đi tới chỗ ôm ấp hai hình thức tương phản về ước vọng quyền lực ý chí. Trong sử học, tôi thích thú những đoạn kể lại truyện cá bạo quân. Tôi tự thấy mình như là một bạo chúa lầm lì nói lắp: những kẻ thị tòng của tôi sẽ dán mắt theo dõi từng sắc diện của tôi và sẽ sống cả ngày lẫn đêm trong hãi hùng run rẩy kinh sợ tôi. Không cần phải biện minh cho sự tàn ngược của tôi bằng những lời nói rõ ràng trơn tru. Chỉ riêng sự lầm lì ít nói của tôi cũng thừa đủ để biện minh tất cả mọi cung cách tàn ngược. Một mặt tôi thường thích thú tưởng tượng xem mình sẽ lần lượt trừng trị từng người một, gieo rắc hình phạt lên đầu các giáo sư và các bạn học vẫn hằng đày đọa tôi mỗi ngày làm sao, một mặt tôi lại tưởng tượng ra mình là một đại nghệ sĩ được trời phú cho một thị lực quang minh tột độ – một vị vương giả chân thực của thế giới nội tại. Dáng vẻ bên ngoài của tôi không ra gì, nhưng chính vì thế mà thế giới nội tại của tôi lại phong phú hơn của bất kỳ một ai khác. Với một thiếu niên phải chịu một cố tật không sao sửa chữa được như tôi, kết cục đi đến chỗ nghĩ rằng mình như là một con người được bí mật lựa chọn, há chẳng phải là một điều tự nhiên hay sao? Tôi cảm thấy như là ở một nơi nào đó trên cõi đời này có một sứ mệnh đang chờ đợi chờ tôi mà cho đến nay tôi vẫn chưa hề hay biết gì cả.
Tâm trí tôi vẫn còn ghi nhớ mãi một biến cố suốt từ lúc đó đến nay. Trường trung học Đông Maizuru có những bãi đất rộng rãi chung quanh có những ngọn đồi thực là ngoạn mục và những tòa nhà sáng sủa tân kỳ.
Vào một ngày trong tháng năm, một cựu học sinh đã tốt nghiệp ở trường chúng tôi ngày trước bây giờ là sinh viên trong Hải Quân Cơ Khí Học Hiệu tại Maizuru được nghỉ lễ một ngày và trở về thăm lại trường cũ.
Anh ta có nước da xạm nắng thật là quyến rũ và cái mũi thực là to lớn mạnh mẽ nhô ra từ dưới cái mũ lưỡi trai mà anh ta kéo sụp xuống tận mắt; từ đầu tới chân anh ta thật là một trang anh hùng hoàn toàn. Bấy giờ anh ta đứng lại kể cho các đàn em nghe cuộc sống khắc khổ trong hiện tại của anh ta với tất cả những quy luật nhà binh khe khắt. Tuy nhiên, mặc dù dụng tâm miêu tả một cuộc đời đầy những gian khổ, anh ta vẫn nói với một giọng như thể là anh ta đang kể cho chúng tôi nghe những truyện về một cuộc đời xa hoa cực độ. Mỗi cử chỉ của anh ta đều đầy vẻ ngạo mạn kiêu căng, nhưng dù còn ít tuổi, anh ta cũng thấy cần phải làm dáng khiêm nhượng. Khung ngực anh ta trong bộ đồng phục có viền hoa ưỡn ra như là khung ngực của một hình người nơi mũi tàu khi con tầu đang rẽ sóng lướt gió trên mặt biển. Anh ta lúc đó đang ngồi trên một bậc đá thoai thoải chạy xuống sân chơi nhà trường. Chung quanh anh ta một nhóm học sinh xúm xít hăm hở lắng nghe từng lời anh ta nói, và trong những thửa vườn trên dốc đồi, những bông hoa tháng Năm đang nở rộ – nào hoa mã lan, hoa thượng uyển đâu, nào hoa dã trượng nhân, hoa sồ bạch cúc; và trên đầu họ rủ buông những nụ hoa mộc lan trắng đang nở tưng bừng.
Cả người nói lẫn những người nghe đều bất động như những pho tượng kỷ niệm. Tôi không ngồi riêng một mình trên sân đất cách xa họ một vài thước. Tôi vẫn có cái cung cách như thế. Đó là cung cách của tôi đối với những bông hoa tháng Năm và đối với với bộ đồng phục đầy kiêu hãnh cùng những chuỗi cười trong trẻo vang vang của họ.
Lúc này anh chàng hùng trẻ tuổi lại quan tâm đến tôi hơn là đến những kẻ sùng bái anh ta. Chỉ có riêng tôi là không có vẻ cúi mình trước cái oai phong của anh chàng và điều đó làm cho anh chàng thấy lòng tự ái bị xúc phạm. Anh ta hỏi những thằng khác xem tên tôi là gì.
“Hầy, Mizoguchi!” Anh ta gọi to; đó là lần thứ nhất anh ta để mắt nhìn tới tôi. Tôi trừng trừng nhìn lại anh ta, không nói lấy một lời. Trong cái nụ cười mà lúc này anh ta hướng về phía tôi, tôi có thể khám phá một cái gì giống như sự hợm hĩnh phỉnh phờ của một người có quyền lực.
“Tại sao chú mày không trả lời ta câu nào vậy? Câm đấy ư?”
“Tơ… tô… tôi nói lắp,” một trong những thằng ngưỡng mộ anh ta thay tôi mà trả lời và tất cả bọn đều phá ra cười ha hả. Cái tiếng cười chế nhạo này làm tôi lóa mắt làm sao! Đối với tôi, có một cái gì rực rỡ – rực rỡ như ánh sáng phản chiếu từ các chòm lá cây – trong cái tiếng cười vang vang ác độc của lũ bạn học vốn là cái đặc điểm của những thiếu niên cùng lớp tuổi chúng nó.
“Sao, chú mày nói lắp ư? Tại sao không vào Hải Quân Cơ Khí Học Hiệu? Họ sẽ dùng roi quất cho chú mày hết hẳn nói lắp chỉ trong một ngày thôi!”
Tôi không biết mình xoay xỏa ra sao nhưng tức thời vọt miệng trả lời được một câu rõ ràng. Những lời nói trôi chẩy tuôn ra chẳng hề do ý chí của tôi lấy một mảy may.
“Tôi sẽ chẳng vào trường ấy. Tôi sắp trở thành tu sĩ”.
Tất cả mọi người đều im lặng. Anh chàng anh hùng trẻ tuổi cúi đầu, nhặt một cọng cỏ và đưa lên miệng.
“Vậy thì,” anh ta nói, “một năm nào đó, đến lúc nằm xuống mồ, tôi sẽ cho anh một việc gì đó để mà làm.”
Cuộc chiến Thái Bình Dương đã thực sự bùng nổ. Vào lúc này chắc chắn là tôi đã trải qua kinh nghiệm của một sự tự giác nào đó – ý thức rằng tôi sẽ giơ cả hai tay đứng đợi chờ trong một thế giới đen tối. Rằng một ngày nào đó những bông hoa tháng Năm, những bộ đồng phục, những thằng bạn học xấu tính nết của tôi, tất cả sẽ tìm đến những bàn tay giang ra của tôi. Chợt có ý thức là chính tôi đương nắm chặt thế giới, đang ép nó xuống tận dưới đáy… Nhưng một ý thức như vậy thì quá nặng nề để có thể trở nên một nguồn kiêu hãnh cho một thiếu niên như tôi.
Niềm kiêu hãnh phải là một cái gì nhẹ nhàng hơn, tươi vui hơn, sáng sủa hơn, rực rỡ hơn. Tôi muốn một cái gì đó có thể thấy được. Tôi muốn niềm kiêu hãnh của mình phải là một cái gì mà tất cả mọi người
đều có thể trông thấy được. Chẳng hạn như thanh đoản kiếm mà hắn đeo lủng lẳng ngang lưng đúng là một vật như thế.
Cái loại kiếm này mà tất cả học sinh trung học đều trầm trồ ca ngợi ngắm nghía thực là một đồ trang sức đẹp đẽ. Người ta bảo các sinh viên trong Hải Quân Học Viện vẫn thường lén lút dùng các thanh kiếm của mình để vót nhọn bút chì. Tôi nghĩ thực là thanh lịch biết bao khi dùng một biểu tượng trang nghiêm như thế vào những việc tầm thường đại loại như vậy.
Chàng thanh niên lúc đó đã cởi bỏ bộ đồng phục Cơ Khí Học Hiệu ra và đem treo lên cái hàng rào sắt sơn mà trắng. Cái quần dài và áo sơ mi trắng treo ngay đó gần sát tất cả những bông hoa – phải, đúng là chúng tỏa ra mùi mồ hôi lấm tấm trên làn da của anh chàng thanh niên ấy. Một con ong lầm lẫn hạ cánh đậu trên cái áo chen hoa trắng tinh chói rạng. Cái mũ lưỡi trai có viền thêu vàng óng nằm trên một phần bờ rào; thực là nghiêm chỉnh y như là trên đầu người đội, kéo sụp xuống tận mắt. Chủ nhân của nó được một thằng đàn em mời ra thử sức và đã đi đến đài đấu vật ở phía sau để tỉ thí một keo.
...