Tự dưng, chỉ luẩn quẩn như một đứa trẻ lên ba…
Hết việc vặt, hết những việc được phép làm, mình mệt mỏi bò lên tầng ba ngồi cho đỡ buồn. Ở dưới bếp, tiếng mẹ và các gì bảo nhau vẫn còn rõ:
-Mày cho nó làm làm gì ? Nó con một thì biết làm cái gì mà làm. Quét cái nhà còn chẳng sạch nữa là.
-Thì em có để nó làm đâu. Tôm chị em mình mua trăm nghìn một cân, ai dám đưa cho nó chế biến, nhỡ nhịn đói cả nhà thì sao?
….
Tiếng cười dưới bếp làm mình chán không buồn xuống nhà nữa. Chui vào chăn lắng nghe tiếp. Lạc lõng…
….
Bữa tụ tập nhân dịp dỗ ông cuối cùng cũng xong. Họ hàng nhà chàng thật đông, đặc biệt là đội ngũ tuổi teen. Nhưng khi bữa ăn kết thúc, đứa nào cũng có đủ lý do chính đáng để ra về sớm sủa hoặc để được miễn dọn rửa. Trời mua đông tối sớm. Một cái sân ngổn ngang như chiến trường. 6 mâm bát đĩa đủ loại. Và….1 cô dâu mới về nhà chồng. Nhớ lại khi còn ở nhà, mỗi lần rửa bát, mấy chị em xúm vào, vừa cười đùa vừa chuyện làm công việc mới nhanh làm sao. Giờ…chỉ còn mình mình.
Nào…vừa hát vừa làm thôi….
Hát những bài hát đã thuộc.
….
Hát những bài hát hơi hơi thuộc.
…..
Chết mất, một mình cô dâu lúi húi ngoài sân, lắng nghe tiếng cười trò chuyện của già trẻ lão ấu trong nhà mà tủi quá. Hiền ơi, cố lên nào !
…..
Hát những bài hát dạo đi mẫu giáo vẫn hát.
…..
Hát những bài hát chưa thuộc.
….
Ui cha, sao 6 mâm bát lại nhiều thế này…!
….
Ư ử giai điệu của những bài hát không thuộc tí nào.
…..
Cuối cùng,
Cuộc chiến,
Cũng,
Kết thúc.
Đôi bàn tay
Chỉ toàn lướt trên bàn phím
Giờ..
Tê cứng, …đỏ au,…không co duỗi được.
Thôi nào, đừng tủi thân mà khóc ở đây. Có gì thì lao lên phòng đóng cửa sau. Hay hôm nào về kể cho mẹ để mẹ an ủi vỗ về. Thôi nào, lấy chồng thì phải khác chứ, ai hầu mà đòi sướng. Thôi nào, mọi người cười cho đấy. Rồi mai cả làng lại đem chuyện này ra mà cười. Thôi nào,…thôi nào….
Tự dỗ dành mình
Vậy mà
Úp xong đám nồi trong bếp, mình vẫn ứa nước mắt không sao cầm lại được. Những giọt nước mắt vô lý không có tí âm thanh sụt sịt. Nó trào ra, lăn vụng trộm trên mặt, bị gạt vội đi, và …khô dần trong tiếng cười nói của những họ hàng mà mình còn chưa biết hết tên.
Tập 11: Tiền
Con trai cả lấy vợ, mẹ công bố: “Toàn bộ đồ đạc trong căn phòng này không có trong trí nhớ của chúng tôi đâu nhé !” và chàng hiền lành cười cười: “Mẹ cứ để kệ con!”. Hôm ấy có mặt mình, sang chơi mà, trong lòng hoang mang biết bao nhiêu. Trời ơi, có nên lấy chàng hay không đây ? Mẹ chàng khiếp thế cơ mà ? Còn chàng, cái bến đỗ của tôi đây sao ? Liệu có an toàn cho tôi gửi gắm nốt cuộc đời còn lại của mình không đây ? Chưa biết chừng một ngày nào đó chàng nghe mẹ, dắt mình ra khỏi nhà cũng nên ! …………Nhưng thôi, chắc mẹ chồng tương lại nói vậy thôi chứ trong lòng chẳng ác ý gì. Thôi, bỏ qua và tiếp tục yêu chàng nào !!!
Vậy là 2 năm yêu nhau, ngoài tình yêu, còn có con lợn đất làm chứng. Cứ hết tháng, mình và chàng lại trích nửa tiền lương bỏ lợn. Đủ để sắm nội thất cho phòng cưới. Vừa mừng, vừa hạnh phúc, nhưng bản thân mình, còn thêm một cảm xúc nữa: tủi thân! Bố mẹ chồng chẳng cho nổi một cái…..giường.
Cuộc sống, chẳng bao giờ có tiệt toàn màu hồng. Cũng chẳng bao giờ có tiệt toàn màu đen cả. Nó là sự tổng hoà của loang lổ biết cơ man nhiêu là màu. Có lẽ vì thế mà tình yêu sau ngày vu quy, nó bắt đầu loang lổ.
Trút bỏ bộ váy cưới đẹp lộng lẫy là chữ ….nghèo. Toàn bộ tiền mừng mẹ cầm cả. Chỉ để cho chàng vỏn vẹn hai triệu. Mẹ cũng chẳng đưa danh sách cho để biết họ hàng hay bạn bè mừng bao nhiêu. Chuyện đương nhiên, sau này còn đi mừng người ta cho phải đạo. Mẹ bảo:”Ai cũng mừng như nhau, danh sách cái gì mà danh sách?”.
Chẳng còn những buổi rủ nhau đi uống cà phê hay đi ăn ở những quán quen. Dạo đó có lúc sĩ lên mình đòi trả tiền. Oai thật ! Dạo ấy, mình hỏi: “sau này lấy nhau thi thoảng anh có rủ em đi ăn tiệm cho hâm nóng tình yêu không ? ” Chàng gật lấy gật để: “Đương nhiên rồi !” Còn bây giờ, có tiêu pha gì thì là tiền của hai đứa thôi. Quá tay là chết. Bây giờ phải tự nuôi mồm rồi. Còn phải nghĩ đến chuyện ky cóp nữa.
Lấy nhau về, tay trắng. Chưa kể còn nợ vụ chứng khoán. Hai trái tim đồng tự nhủ: Lập nghiệp thôi. Dành dụm được chút ít đã rồi mới sinh em bé. Không thể sống trong căn nhà tranh được. Cố gắng lên !
Nhớ hôm lại mặt chàng rủ rê:
-Đi tuần trăng mật em nhé !
-Tiền đâu mà đi ?
-Có hai triệu đây này (chàng vỗ túi đồm độp)
-Ôi trời, hai triệu thì đi vòng quanh Hồ Tây hả anh ? Hay sang Gia Lâm, thuê cái nhà nghỉ, ở tịt trong đó mấy ngày rồi về ?
-Ừ , ý của em hay đấy. Để anh tính xem nào, nếu sang Gia Lâm, cả ăn cả ở chắc được …..gần tuần !
-Cái gì….? (Mình hét lên khi bị chàng bơm vá vào câu châm biếm)
-Hí……..Hí………..
-Anh làm thế thật em đập chết, ăn thịt, phần còn lại cho lên nóc tủ, bày hoa quả đấy !
-Ừ, anh đùa, anh đùa. Nhưng số tiền ít ỏi đó đi chỗ nào tầm như Hà Tây là được mà. Đi 3 ngày thôi.
-Ừ……….ừ………..mà thôi anh ạ. Mình đang không có tiền, anh còn phải trả nợ nữa. Không đi cũng chẳng sao đâu anh ạ. Có lẽ tiêu tiền mà trong lòng cứ nghĩ đến kiếm tiền cũng không vui đâu. Số tiền đấy anh để trả nợ anh Vân đi. Còn em, tuần này em vẫn chưa hết phép, em sẽ ở nhà với bố mẹ cho thân mật. Cơm nước cho gia đình. Rồi sau này, chúng mình có tiền, chúng mình đi sau.
-Em việc gì phải thế ?
-Thôi, em để dành tuần trăng mật đến khi nào chúng mình bớt khó khăn hơn cũng được mà.
Chàng không nói gì, cũng chằng dỗ dành gì mình nữa. Chàng quay mặt đi, ngồi một xó, cúi mặt xuống , và…………chăm chú chơi điện tử trong điện thoại di động của chàng.
Mình cũng không nói gì, lặng lẽ ra đứng dựa cửa sổ, trong đầu mênh mang mong đến ngày mà mình bảo chàng là sẽ bớt khó khăn hơn, rồi đôi khi ý nghĩ về những lịch trăng mật của những đứa bạn xen ngang sự mênh mang của mình. Mình ngước nhìn lên chỗ có mây cao nhất, để nhìn, mà……..cũng để nước mắt đan ngấn đầy đỡ trào ra.
***
Tháng đầu tiên…
Đã đến lúc phải đóng tiền ăn cho mẹ chồng rồi. Chẳng biết phải đóng bao nhiêu. Hỏi các chị trong công ty, mỗi bà một ý. Kinh tế mỗi nhà một khác nên cái khoản tế nhị ấy mỗi người một ý riêng thôi. Bọn con gái chưa chồng, đương nhiên nó cũng như mình dạo nọ. Đi làm có bao nhiêu thì đắp vào thân. Biếu bố mẹ đẻ được bao nhiêu thì biếu. Có hỏi chúng nó, chúng nó biết trả lời mình ra sao.
-Tao bảo này, vợ chồng mày nghèo, lại chỉ ăn có một bữa ở nhà, lại đi làm cả ngày, tối về có tí thì đi ngủ. Tính ra có mấy tiếng ở nhà. Chắc mỗi đứa năm trăm !
-Mà có khi chúng nó còn chẳng buồn bật đèn ấy chứ, giảm trừ được khoản tiền điện, ba trăm thôi em ạ !
-Ừ, đứa nào da đen là đều ngại bật đèn cả!
-Ha….ha….ha……
Mấy bà chị tệ bạc luôn biến mọi câu chuyện về một vấn đề mà ……tất cả chúng ta đều hiểu. Tự dưng, cả hội đồng cố vấn cười ha hả vì vấn đề không thắp đèn.
-Thế thắp đèn ngủ thì nộp bao nhiêu các bà ơi? Các bà bậy bạ quá, để cho mấy đứa kia chúng nó còn lấy chồng chứ.
-Ôi trời, bọn này bây giờ khôn lắm, không tồ như chúng tao ngày xưa đâu
-Ha…….ha……ha………..
Sau 2 ngày tham khảo ý kiến bạn bè, cô gì chú bác…
-Anh đưa tiền cho mẹ nhé !
-Thôi, em đưa đi
-Anh buồn cười nhỉ, anh là con trai mẹ cơ mà. Em ngại lắm. Sao việc gì động đến tiền anh đều ủn cho em thế.
-Em đưa đi. (Chàng kéo dài giọng ra điều khó chịu. Chàng vẫn luôn là thế, cái gì ngại là trốn tiệt. Đồ đểu !)
Nói rồi chàng biến mất. Chối bỏ trách nhiệm vụ gửi tiền ăn. Chàng vẫn tệ như thế. Từ ngày lấy chàng, chưa thấy chàng che trở gì cho mình cả. Chàng cứ để mặc mình trước mọi cơn gió mới. Những cơn gió mà dù mạnh hay nhẹ cũng khiến mình choạng vạng, lơ quơ không biết bấu víu vào đâu. Vì có cái mái che là chàng thì chạy mất tiêu rồi. Thôi chết, thế nhỡ sau này có bão thì sao? Không lẽ, mình vẫn chỉ có một mình thôi sao?
Thụt thò mãi ở cửa bếp, chỉ khi mẹ ngước mắc nhìn lên, mình mới dám bước vào. Lạ thật, cái dạo còn gọi bằng bác ấy, sao tự nhiên thế. Đến nhà là Lý Thông cười nói tưng bừng, chuyện trò bả lả nghe chừng vui tươi. Rồi còn vào bếp nấu hộ con bạn cái gì cũng ra dáng nữa chứ. Vậy mà về làm dâu được một thời gian rồi, đứng ở cửa bếp cũng sợ, nhìn thấy mẹ chồng cũng sợ. Căng thẳng vô cùng.
-Mẹ,
-Ờ, cô đi lên nhà đi, xuống đây làm gì ?
-Mẹ ơi, Tháng này vợ chồng con mới cưới, chưa có nhiều. Anh Hậu lại còn lo tiền làm ăn nữa, nên ……….(ngập ngừng không nổi, mình cười trừ). Con biết là bố mẹ vất vả vì chúng con, nên đáng lẽ chúng con phải đóng góp nhiều hơn….
Mẹ ngửng mặt lên nhìn mình chằm chằm làm mình bối rối. Mẹ lắng nghe xem con bé rườm rà này nói những gì. Mình căng thẳng ! Có lẽ những lần tập thuyết trình cho buổi hội thảo hoặc đứng lớp giảng cho các khoá đào tạo nhân viên mới ở công ty cũng không đến nỗi như thế này. Cơ mà chẳng lẽ tắt đài ngay lúc này à ? Lại tiếp tục lí nhí bài nói dở dang thôi:
-Nhưng thôi, chắc bây giờ còn thiếu bao nhiêu thì bố mẹ cho bọn con. Rồi sau này…
-Thôi được rồi, nộp tiền ăn chứ gì ?
-Dạ………….ơ………….vâng.
Bài diễn văn còn chưa nói hết. Bao nhiêu sự chuẩn bị còn chưa thể hiện, ấy vậy mà mẹ đã hiểu ý mà cắt ngang sự run rẩy của mình. Sự cắt ngang ấy làm mình im tịt mà còn ngơ ngác. Chẳng biết phải nói tiếp cái gì cho mẹ nghe. Thôi chết, quên sạch những gì mình còn chưa nói, mình ngại ngùng đưa mẹ cuộn tiền gập làm 4 đang dấu trong tay. Mẹ ơi, may mà mẹ hiểu ý
!
***
Lần đưa tiền tháng sau…
Mình đã thành ma cũ. Đỡ lo lắng và trơ hơn nhiều. Nộp cho mẹ gấp rưỡi lần trước, có lẽ vì thế mà tự tin lên không ? Chẳng có bài diễn văn nào cả, ngắn gọn mà sao tình cảm ơi là tình cảm:
-Mẹ ,mẹ ….
-Gì thế ?
-Tiền về …….tiền về…mẹ ơi !
-Ừ ừ, tiền về ….tiền về . May quá, dạo này tao thua hết cả tiền. Thế này là được rồi !
Mình hả hê sau khi chuyển khoản cho mẹ đúng lúc. Mẹ thì vẫn vui như mọi khi. Cuộc sống mà, rồi sẽ thích ứng hết thôi.
Tập 12: Tịt
Hai tháng sau…
Mẹ chạy huỳnh huỵch lên gác 3 đầy giận dữ:
-Cái vỏ bao bì băng vệ sinh trong thùng rác là của mày à?
-Ơ….dạ….vâ…n..g ! Nhưng nó chỉ là cái vỏ túi thôi ạ ? (Mình lo sợ và ngơ ngác trả lời mẹ)
-Tao không nói chuyện ấy, tức là mày vẫn chưa có gì hả?
-Ơ….
-Tao lại cứ tưởng mày …Ôi giời ơi !
Đoạn thở dài ngao ngán, mẹ không dấu nối nỗi thất vọng và giận dữ trong ánh mắt nhìn mình. Còn cô dâu bé nhỏ, vừa sợ lại vừa lo !
Mẹ cũng như bao bà mẹ thương con khác, mong có cháu cho vui cửa vui nhà. Các bà cùng hội “hai số cuối” của mẹ bà nào cũng có cháu hết rồi. Chỉ có mẹ là vất vả nuôi các con ăn học, rồi đến năm 32 tuổi, anh con trưởng mới nhấp nhểnh đi lấy vợ. Mẹ không mong sao được. Tối nào cũng vậy, vào lúc tiếng nhạc “sổ số ca” trên ti vi rộn rã, là các bà bế các cháu tụ tập. Có cô bé Chích Bông mới hai tuổi đầu, đã biết hét lên: “kết ….kết…” và chập chững đi tìm sổ cho bà chép kết quả. Còn những đứa khác thì nhảy tưng tưng theo nhạc. Mẹ ngồi đó, chỉ có một mình, nách không mang theo cháu nào cả. Chắc mẹ cũng buồn.
Dự định tích cóp đã rồi mới sinh em bé bị dập tắt thẳng thừng khi có một hôm mình đi làm về sớm la cà buôn chuyện ở bờ giếng làng. Mọi người cứ hỏi chuyện, rồi có người nhìn mình với ánh mắt thương cảm, có người lại còn vỗ vai an ủi. Chả hiểu ra làm sao cả. Cuối cùng, sau tiếng đồng hồ đấu tranh khai thác, mình cũng hiểu nguyên nhân....