Tôi là một đứa con gái không thể kiêu ngạo mà nói là xinh đẹp, tốt bụng nhưng cũng có thể nói là dễ coi và từ trước tới giờ chưa làm tội ác gì tày trời ở kiếp này. Ấy vậy mà không biết kiếp trước tôi gây tội nghiệp gì hay tôi mắc nợ nặng đô với cái thứ đó mà tội vạ tự dưng giáng xuống làm tôi choáng váng . Trời bày oan nghiệt, trói chặt tôi với cái thứ đó.
Chương I : Đau khổ biết chừng nào ! Nỡ lòng bắt con trừ nợ.
Tôi tên là Tạ Tiểu Mai, lý do tôi có cái tên này vì cha tôi rất thích hoa mai, ông vốn có một bộ sưu tập cây kiểng nổi tiếng với hàng chục chậu mai nhiều kiểu dáng khác nhau. Bình thường, những người thích hoa thường có tâm hồn thi sĩ mà thường có tâm hồn thi sĩ thì thích ngâm thơ mà thích ngâm thơ thì có cái tật… nghiện rượu. Cha tôi xét về một khía cạnh đó là một… con sâu rượu lâu năm sắp hoá bướm. Cạnh mấy chục chậu mai là hàng ngàn cái chai sặc mùi cồn. Có lẽ rượu đã làm cho cha tôi mất tỉnh táo để chọn một cái nghề đàng hoàng chọn một cái nghề trăm người mới có một đó là cái nghề… làm thầy đồ viết câu đối tết trong khi chữ ông là quạ bay giun xéo.
Mọi người thắc mắc là tại sao cha tôi vẫn bám trụ được tới ngày hôm nay, nhờ đứa con gái này đây(lâu lâu phải kể công một chút), nó đã thay bà vợ quá cố của ông ta quán xuyến mọi thứ trong nhà bằng cách bù đầu kiếm học bổng, sau buổi học là đi phục vụ quán phở, tối đến là cắn răng đi làm gia sư cho mấy thằng công tử hách dịch thấy phát ghét. Làm đầu tắt mặt tối mới đủ sức trả tiền lời từ món nợ mà cha tôi vay từ một nhà băng nổi tiếng cho vay nhiều nhưng có lãi suất cao mỗi tháng. Còn món tiền chính thì càng lúc càng tăng lên. Thật đau cái đầu. Hên là tôi được miễn học phí chứ không với cái trường tôi học thì cũng sớm tự tử để thoát nạn rồi.
-Số nợ của cha cô bây giờ lên đến 100.000.000 đồng.
-Hả ? 100.000.000 ? – Cái loa phóng thanh gắn trên miệng tôi làm mọi người trong ngân hàng giật cả mình. – Xin lỗi. Anh không nhầm đấy chứ ? Tháng trước mới chỉ có 50.000.000 mà giờ lên đến 100.000.000.
-Cô tưởng là tôi muốn đùa lắm hả ? Đã mấy năm hai người không trả nợ cho ngân hàng rồi.
Trời ạ ! Thảo nào mấy ngày nay chai trong nhà tôi càng ngày càng nhiều. Cha ơi là cha, thương con một chút không được sao. Hai hàng nước mắt chực tuôn ra.
-Thôi cô nương. Tiền trong đây toàn là giấy không đấy. Tôi biết cô cực khổ trả tiền nợ cho cha nhưng không trách chúng tôi được.
-Hiểu. – Tôi gật đầu, lững thững cầm tờ giấy nợ đi ra ngoài ngân hàng.
Trời trêu người ngay, sao nỡ lòng nào để thân liễu yếu đào tơ như tôi gánh cả một khoảng nợ khổng lồ khi mới chỉ còn đơm nụ chứ. 100.000.000, 100.000.000 có dạy 10 ca trong một ngày cũng không đủ sức để trả món nợ khổng lồ như vậy. Trời ơi, trời ơi.
-Trời ơi ! – Tôi trút hết bầu tâm sự vào tiếng hét. – Cha hỡi cha cha nỡ lòng nào để cho đứa con gái này phải lặn lội sớm nắng chiều mưa sáng sớm đi dọn đường, trưa bưng phở tối làm gia sư tàn tạ thế này.
Pẹp. Có cái gì đó ướt ướt ở đầu gối. Tôi nhìn xuống. Hỡi thánh hỡi thần hỡi thiên hỡi địa… Cái quần yêu quý của tôi dính một bệt kem ngay đầu gối. Sao ngày hôm nay xui xẻo ập tới cùng một lúc, thà từ từ để tôi còn thở chứ.
-Cái quần yêu quý của tôi. – Tôi rống lên hãi hùng, mọi người xung quanh ai cũng khiếp vía. – Đứa nào xấc xược. Sao thần May Mắn không thương tôi, đoái hoài tới tôi thế này ?
Tôi quay qua quay lại, kiếm đứa nào cầm kem là xử ngay lập tức. Kia rồi, một thằng nhóc đang nhìn tôi như sinh vật lạ, trên tay cầm cái bánh kem còn một tí kem, màu và mùi hoàn toàn trùng với cái thứ làm hỏng quần tôi. Tôi lập tức tóm lấy hung thủ.
-Thằng nhóc kia, mắt mũi để đâu vậy hả ? Dơ quần ta rồi thấy chưa.
Cái thằng này, nó bình chân như vại, thản nhiên liếm kem dính trên mép. Tôi phát điên lên được.
-Thằng nhóc kia !
-Bà chị cần gì ? – Nó dễ dàng gỡ tay tôi ra, nhảy ra ngoài.
-Đền cái quần cho ta. Mi có biết là ta phải nhịn ăn sáng hai tuần để mua nó không. Mi nỡ lòng nào.
-Đền là được chứ gì ? Bao nhiêu ?
-500.000
-Không có tiền. – Nó đáp gọn lỏn.
Tôi hét lớn :
-Về kêu cha mẹ đem tiền tới đây.
-Được, nhà bà chị ở đâu ?
-35 đường Đinh Tiên Hoàng.
-Được, 10 phút sẽ có cái quần mới. Hứa danh dự đấy !
Lúc đó tôi đã hả giận, cũng không muốn làm khó dễ nó làm gì, liền nói :
-Đi đi. Mệt quá !
Không cần biết nó có đi hay không, tôi thẳng bước đi đến chỗ quán phở làm thêm. Một ngày xui xẻo.
Sau một buổi lao động mệt nhọc, tôi lê bước về căn nhà thân yêu. Vừa bước tới cửa là tôi bị một thứ gì đó ngáng chân làm tôi chụp ếch ngay bước đầu tiên bước chân vào nhà. Tôi quơ cái thứ đó để xử một trận. Ủa, cái chai gì kỳ lạ, nó có màu xanh lá cây, dài dài, mùi nhẹ lắm, tôi dốc nước từ trong đó ra xem thử. Cái thứ nước gì vàng vàng cứ như nước nghệ.
-Con về rồi à ? – Cha tôi ngật ngưỡng bước ra đón tôi.
-Hôm nay tốt thật, cha uống nước nghệ cai rượu à ? – Tôi cầu nguyện điều đó là sự thật.
-Rượu Pháp đấy, ngon lắm !
Tay tôi đang cầm cái chai rượu run lên, rượu Pháp ?
-Cha ơi là cha ! Cha có biết nhà mình nghèo rớt mồng tơi không mà xài loại rượu đắt tiền này ? Cha có biết nợ ngân hàng đến giờ là bao nhiêu không ? 100.000.000 đấy.
-Biết rồi, biết rồi. – Ông già trả lời tỉnh bơ, tay xoay xoay cái chai có thứ nước vàng vàng đó.
-Rượu bà Tư đầu ngõ không ngon sao ? – Tôi bực mình.
-Thứ mua sao bằng thứ tặng được.
-Hả ?
Nam mô a di đà phật, xưa nay bà Tư với cha tôi là kẻ thù không đội trời chung dù ông là khách quen của cửa hàng, nay lại tặng rượu hiệu cho nhau à ? Nhưng cả xóm này chỉ có bà Tư là nhà bán rượu Tây thôi.
-Bà Tư tặng rượu cho cha hả ?
-Không ! Ta thề với trời đất là không bao giờ uống rượu miễn phí của bà chằn đó.
-Ai tặng ?
-Một đại gia. – Ông già mở nắp chai, nốc một ngụm lớn.
-Cha ba xạo vừa giùm con đi cha.
-Thiệt mà. – Ông già lục lục tấm giấy trong túi đưa cho tôi.
Cái quái gì thế này ? Tôi là Tạ Tiểu Mai, đồng ý về làm gia sư cho dòng họ Dương với điều kiện phải trả nợ cho cha tôi và chu cấp cho ông 10.000.000 mỗi tháng. Ký tên.
-Là sao ?
-Là con sẽ về làm gia sư cho nhà đó. Bù lại họ sẽ trả nợ cho nhà mình.
-Nhưng tại sao lại chu cấp cho cha chứ, con làm mà.
-10.000.000 là lương mỗi tháng nhưng con được họ bao ăn ở cả năm nên chuyển cho cha là phải thôi.
-Có lý,
Một việc làm quá hời. Tôi vội vàng ký tên vào đó.
-Tốt lắm ! Họ đang chờ chúng ta ở trước cửa đó. – Cha tôi đẩy tôi ra ngoài cửa. – Cha thu dọn đồ đạc cho con hết rồi.
Một chiếc ô tô đen đậu sẵn ngoài đó. Ông tài xế mở cửa cho tôi bước vào, miệng lẩm bẩm cái câu gì đó. Tôi bước vào.
Hả ? Là thằng nhóc đó. Đó đang ăn diện một bộ áo vét đường hoàng ngồi trong xe.
-Nhóc đến đền quần cho chị hả ? Chị đùa thôi mà.
-Không có, tôi tới đây để rước chị về nhà. Lẹ đi, mẹ tôi đang chờ đó. Nhớ ăn nói cho lễ phép.
-Biết rồi. – Tôi lầm bầm. – Cái thằng nhóc này, nói chuyện với gia sư không lịch sự chút được sao.
Thằng nhóc đó không nghe, tiếp tục nói.
-Cẩn thận một chút,dù sao chị cũng là dâu trưởng.
-Cái gì ? Dâu trưởng ?
-Ủa không phải chị đã ký bản hôn ước sao ? – Nó trố mắt nhìn tôi.
-Hôn ước nào ? Chị ký bản hợp đồng làm gia sư chứ bộ.
-Mắt kèm nhèm rồi, xem lại đi.
Tôi lấy bản hợp đồng ra xem lại. Ủa, có cái gì đó rớt ra. Chúa ơi (thông cảm, tôi theo nhiều đạo lắm) thì ra cái mà tôi xem chỉ là một lớp ngoài, còn tờ giấy thực sự mang nội dung khác. Hèn gì tôi nghi nghi, đại gia không bao giờ xài hợp đồng viết tay. Tờ giấy này đánh máy, là hàng thật. Nội dung : Tôi đồng ý làm vợ Dương Nhất Thiên, với điều kiện phải trả hết nợ cho cha tôi và chu cấp cho ông 10.000.000 mỗi tháng. Hồi nãy đi làm về mệt quá không xem kỹ, nguyên một miếng keo hai mặt to lù lù mà không nhận ra.
-Vậy…vậy là…-Không biết tôi mắc chứng gì mà lưỡi cứng đơ.
-Cô sẽ về làm dâu nhà tôi.
-Vậy giống như là gán nợ đấy hả ?
-Đại loại như vậy.
-Cha !!! – Tôi đập cửa xe, muốn phóng ra ngoài xử cái người đang cầm chai rượu, vẫy tay ở cổng nhà tôi.
Chương II : Hỡi trời, kiếp trước chị nợ nhóc cái gì.
Cái cửa xe chết tiệt, chắc chưa từng thấy, ngón võ karate của tôi hoàn toàn vô dụng. Thằng nhóc ngồi cạnh tôi nói :
-Bà chị ngồi im tí được không ? Con gái con đứa gì mà dữ như bà chằn.
-Chú mày biết gì mà nói. Làm sao biết được cảm giác bị ép gả thế nào.
Bấy lâu nay tôi đọc truyện về các "hồng nhan bạc mệnh" như Vương Thúy Kiều nhưng chưa bao giờ tôi thấy thông cảm cho họ hơn lúc này. Không biết có quá hay không, tôi thấy tôi còn tội nghiệp hơn cả họ lúc bấy giờ, họ tự nguyện trao thân còn tôi bị lừa bởi chính đấng sinh thành một vố nặng. Tôi đã gây nên tội nghiệp gì chứ.
Thằng nhóc đó đưa mắt qua tôi, ánh mắt nó lộ rõ vẻ thương hại.
-Yên tâm đi ! Về nhà chồng chị sẽ không bị thiệt thòi đâu.
-Nhóc ơi ! Chị khổ quá ! – Tôi ôm thằng nhóc ấy, trút hết bầu tâm sự dồn nén bấy lâu nay. – Nhóc biết không bla bla bla…
Sau màn mưa nước mắt, ướt hết cái áo của thằng nhóc, tôi mới bình tâm trở lại.
-Bà chị có họ hàng với Long vương hay sao mà lắm nước thế ! – Thằng nhóc đó vắt nước trên áo, cằn nhằn.
-Xin lỗi nhóc nhé ! Mỗi lần trút bầu tâm sự là chị cứ thế đấy. – Tôi cười hì hì.
-Làm hỏng có cái quần 500.000 của bà chị mà bà chị lấy nguyên cái áo giá 900.000 của tôi.
Ồ, một căn biệt thự dần dần hiện ra sau lớp kính ô tô, xét bề thế nó với chiếc xe thì đó chắn chắn là "nhà chồng" của tôi rồi. Tôi hít lấy một hơi thật sâu, chuẩn bị tinh thần ra mắt "mẹ chồng tương lai". Tôi khẽ khàng hỏi nó :
-Này nhóc, phu nhân nhà này có khó tính lắm không ?
-Không biết, ba hồi say ba hồi tỉnh thôi. – Nó thản nhiên đáp.
-Vậy à ? – Tôi hơi rùng mình, tại trong mấy bộ phim Hàn Quốc tôi coi ké nhà hàng xóm, mẹ chồng mà như vậy làm dâu khổ lắm.
Thằng nhóc đứng lên, vỗ vai tôi, mỉm cười.
-Không sao, dù thế nào thì tôi cũng bảo vệ chị.
-Cảm ơn nhóc nhé ! – Tôi nắm lấy tay nó, cùng bước xuống xe.
Oa, ngôi biệt thự lớn thiệt, mấy ngôi biệt thự mà tôi tới làm gia sư trước đây chỉ là đồ bỏ. Chẳng khác gì một lâu đài trong truyện cổ tích. Tôi say sưa ngắm nhìn nó, lòng khâm phục người đã thiết kế nó một cách tinh xảo thế này. (Tôi cũng có ý định thi vào ngành kiến trúc)
-Chị vào thay trang phục đi. Khi nào mẹ tôi cho gọi thì hãy đến phòng khách.
Thằng nhóc thì thầm vào tai người có dáng quản gia vài câu rồi hiên ngang bước vào biệt thự dưới sự đón chào của mấy người gác cổng.
Người quản gia đến chỗ tôi, cúi người, nói :
-Mời thiếu phu nhân theo tôi vào phòng thay trang phục.
-Vâng.
Tôi không biết gì cả, ngoan ngoãn theo ông ta vào phòng thay trang phục.
Cả chục bộ đồ treo trên giá chờ tôi thử, bộ nào cũng đẹp, bộ nào cũng lộng lẫy, cả triệu đồng một cái cúc chứ không ít. Tôi sững sờ, chao ôi, nếu như lúc trước tôi có mấy cái
...