Nụ cười chua chát ấy của Tạ Yên Khách là nụ cười về tinh thần bảo thủ, cố chấp của một nét văn hóa cũ!
5. Nếp văn hoá ở núi Hùng Nhĩ của Mai Phương Cô " má má ", hình như có sự hiện diện của bồ tát Quán Thế Âm, trí tuệ vô ngã và lòng từ bi cứu khổ, đã để lại ảnh hưởng trong tâm thức hồn nhiên của Cẩu Tạp Chủng khi Cẩu Tạp Chủng phát ngôn rằng:
" Gã ăn xin đáp: Sao lại ăn cắp? Vừa rồi một vị thái thái giống Quan Âm áo trắng đã cho cháu " (tr. 94)
và:" Ông ăn táo đi! Ông (chỉ Tạ Yên Khách) không phải là người, cũng không phải ma quỷ, chẳng lẽ lại là Bồ Tát? Nhưng cháu thấy cũng không giống " (tr. 97).
Nét văn hóa Phật giáo nhẹ nhàng ấy dần dần in đậm vào tâm thức Cẩu Tạp Chủng, trước khi khởi động công phu " La hán phục ma thần công ", để thành tựu việc khai mở chân lý của Thái Huyền Kinh trên đảo Hiệp Khách!
6. Ý Nghĩa biểu tượng của 18 tượng La hán:
Trong Phật giáo, La hán là hàng đệ tử Đức Phật đã hàng phục được lòng tham dục cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc, và hàng phục được sự đắm trước (chấp thủ) lòng dục, thấy biết, giới luật sai lầm, và các học thuyết chủ trương có tự ngã (dù dưới bất cứ dạng thức nào). Kinh Phật dạy có 18 dòng Ái (và Thủ) liên hệ nội tâm, và 18 dòng Ái (và Thủ) liên hệ ngoại cảnh:
Liên hệ nội tâm: Khi nào có ý niệm ta có mặt thì sẽ có những tư tưởng: ta có mặt trong đời này; ta có mặt như vậy, ta có mặt khác như vậy; ta không thường hằng; ta thường hằng; ta phải có mặt không? ta phải có mặt trong đời này không? ta phải có mặt như vậy; ta phải có mặt khác như vậy; mong rằng ta có mặt; mong rằng ta có mặt trong đời này; mong rằng ta có mặt như vậy; mong rằng ta có mặt khác như vậy; ta sẽ có mặt; ta sẽ có mặt trong đời này; ta sẽ có mặt như vậy; ta sẽ có mặt khác như vậy.
Liên hệ ngoại cảnh: Khi nào có tưởng: ' Do cái này, ta có mặt; thì sẽ có các tư tưởng: do cái này, ta có mặt trong đời này (tương tự trên)
(Tăng chi kinh, II, PTS, London, 1992, tr.226)
Nội dung của 18 dòng Ái (Thủ) trên là nội dung của Tập đế (nguyên nhân của khổ) trong Tứ Diệu đế của Phật giáo (được biểu tượng qua chuổi hạt tay 18 hạt hay 36 hạt).
Đại bi lão nhân tặng cho Cẩu Tạp Chủng 18 Tượng La hán là trao cho công phu loại trừ hết thảy các loại chấp thủ ngã tưởng mà Kinh Kim Cang Bát Nhã của Đại thừa Phật giáo đã đề cập, bao gồm tám loại: ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng, pháp tưởng, phi pháp tưởng, tưởng và phi tưởng:
– Ngã tưởng: tin tưởng có mặt một tự ngã khác với năm uẩn như khi nói: cái này là của tôi, tôi là cái này, cái này là tự ngã của tôi.
– Chúng sinh tưởng: tin tưởng có một cá thể độc lập, liên tục và đồng nhất với chính nó qua thời gian; cá thể đó phân biệt các phần tố bên trong cá thể khác biệt với những gì ở bên ngoài.
– Thọ giả tưởng: tin tưởng có một sức mạnh hợp nhất và sinh động bên trong cá thể, tồn tại từ khi sinh cho đến khi chết.
– Nhân tưởng: tin tưởng có một thực thể thường hằng, luân hồi, tái sinh từ kiếp nầy qua kiếp khác.
– Pháp tưởng: tin tưởng có sự hiện hữu thật sự của các pháp độc lập.
– Phi pháp tưởng: (không pháp tưởng): tin tưởng có không pháp độc lập với hiện hữu
– Tưởng: Tưởng thường quyết định tính chất cho sự vật vốn không có trong thực tế.
– Phi tưởng: nếu biết tưởng là không thật mà chủ trương không có tưởng, không tác tưởng-các bậc Thánh, Bồ Tát vẫn tác tưởng mà vẫn giác tỉnh vô ngã, vẫn không chấp thủ.
Đây là công phu tu tập chủ yếu của Phật giáo nói chung, và Kim Cang Bát Nhã nói riêng.
7. Tu tập công phu loại trừ các tưởng tự ngã:
– Bước đầu hành giả cần tẩy sạch các tâm lý cấu uế, bất thiện như tham lam, sân hận, si ám, đố kỵ, kiêu mạn, dối gạt, ác hại, v.v? nếu không thì không thể tu tập thành tựu các tâm thiền định ở bước thứ hai.
Đây là nội dung mà Kim Dung giới thiệu Cẩu Tạp Chủng với tâm lý trong sáng, giản đơn, không có thất tình, lục dục, hành " La hán phục ma thần công " dễ dàng thành tựu, không bị tẩu hỏa, như Tạ Yên Khách đã nhận xét:
" Thằng bé này đầu óc chưa được mở mang, chuyện đời hoàn toàn không biết, trong lòng không có tạp niệm, vì thế mới không bị tẩu hỏa nhập ma "(tr. 136)
Công phu " La hán phục ma " quả là công phu giáo dục các tâm hồn, các cá nhân cho một xã hội đạo đức, nhân ái, đầy tình người!
Phần 5
Hồi 4: Bang chúa rừng Lạc bang
A. Tóm tắt hồi 4
-Tại Ma Thiên Lãnh, Cẩu Tạp Chủng vừa luyện xong 18 đường âm công và 18 đường dương công của " La hán phục ma thần công ", do không biết điều hòa kinh mạch âm dương nên bị "tẩu hỏa", may kịp lúc Bối Hải Thạch, và thêm các đại cao thủ Trường Lạc bang, xuất hiện cứu cấp, tạm thời qua được cơn nguy cấp ; Bối Hải Thạch lầm tưởng Cẩu Tạp Chủng là Thạch Phá Thiên, bang chủ, nên rước về điều dưỡng ở cung Trường Lạc.
– Tại cung Thường Lạc, Bối Hải Thạch tiếp tục trị liệu mỗi ngày. Đinh đỉnh Đang đang, người tình của Thạch Phá Thiên, cho uống Huyền Băng Bích Hỏa Tửu (loại rượu rất trân quý của võ lâm, dùng để trì hoãn lại sự tương giao của hai luồng khí âm dương trong nội thể), nên Cẩu Tạp Chủng hồi tỉnh.
– Vào lúc hai luồng âm dương khí dâng đầy ở huyệt Đản Trung (giữa ngực) thì Triển Phi hương chủ, kẻ thù bị cướp vợ của Thạch Phá Thiên, xuất hiện đánh một chưởng mạnh vào huyệt Đản Trung để kết liểu đời Thạch Phá Thiên. Không ngờ, chưởng nầy đã giúp Cẩu Tạp Chủng điều hòa được khí huyết, thành tựu thần thông " La hán phục ma " lên đến đỉnh điểm. Triển Phi hương chủ thì bị phản lực mà bị gảy một cánh tay và trọng thương.
Cẩu Tạp Chủng, với từ tâm, vô hại tâm, đã bao che cứu tội và trị thương cho Triển Phi.
Thật là sự lạ đầy kinh dị!
B. Ý kiến
1. Lạc bang là từ ngữ Phật học chỉ cõi nước của Đức Phật A-Di-Đà. Ở đó, vắng mặt mọi thứ khổ đau, mãi mãi hạnh phúc, yên vui nên gọi là Trường Lạc.
Bối Hải Thạch và các Hương chủ bang nầy thì bản chất hành ma đạo. Do vì tránh nạn dự hội yến Lạp Bát ở Hiệp Khách đảo nên tráo dựng bang chủ Thạch Phá Thiên; sau khi Thạch Phá Thiên (Thạch Trung Ngọc) ẩn trốn, Bối Hải Thạch lại mạo dựng Cẩu Tạp Chủng.
Thật là ý vị! tâm chân của Cẩu Tạp Chủng lại cần được nuôi dưỡng, phát triển tại ma xứ nầy!
2. Cẩu Tạp Chủng: sức mạnh của vô dục,vô chấp:
– Bản tính của Cẩu Tạp Chủng là minh mẫn, chân thật, thuần lương, vô dục và không chấp nệ các thị phi.
– Mọi người đều lầm chàng là Thạch Phá Thiên (trừ Bối Hải Thạch sau khi điều thương cho chàng) và bày tỏ thái độ tương hệ khác nhau: Cùng một đối tượng mà mỗi người ở vị trí khác nhau thì nhìn khác nhau. Cả tự thân Cẩu Tạp Chủng cũng không thật sự biết rõ gốc gác của mình, chỉ lờ mờ chàng là chú bé ở đỉnh Hùng Nhĩ, đùa giỡn với chó A-hoàng.
Nhờ có tâm lý vô dục, vô chấp ấy, Cẩu Tạp Chủng đã thành tựu không khó khăn thần thông siêu đẳng của " La hán phục ma ". Bước thành tựu còn tiến xa, xa nữa khi chàng không chấp thủ cả kết quả thành tựu. Khi Bối Hải Thạch nói:
" Chúc mừng bang chúa! Thần công cái thế của bang chúa đã luyện thành rồi "
Cẩu Tạp Chủng đã hồn nhiên hỏi lại:
" Cái gì… cái gì là cái thế thần công? "
Đây, thực sự là ngôn ngữ của Kinh Kim Cang khi diễn đạt sự chứng đắc bốn Thánh quả: Tu-đa -hoàn, Tư-đà-hàm , A-na-hàm, và A-la-hán:
" Đức Phật hỏi:' Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, vị Tu-đà-hoàn có nghĩ rằng: Ta đã chứng đắc Tu-đà-hoàn quả chăng?-Tôn giả Tu-bồ-đề đáp: Quả thật không, bạch Thế Tôn. Tại sao? Bởi vì, bạch Thế Tôn vị ấy không có chứng đắc bất cứ pháp nào. Cho nên vị ấy được gọi là Tu-đà-hoàn…
– " Bởi vì chưa có một pháp nào chứng đạt được quả Tư-đà-hàm. Đấy là lý do tại sao vị ấy được gọi là Tư-đà-hàm "
-… 0
3. Hai cảnh giới thiền định:
– Tạ Yên Khánh, trên Ma Thiên Lãnh, khổ luyện nội công đạt đến mức " thân, ý, khí " điều hợp, vật ngã đều quên: đây là một loại thiền định có sức mạnh tập trung và có thần lực của một cảnh giới định sâu, nhưng tâm ý của ông còn vướng vào thị phi, tự ngã, nên theo Phật học gọi là tà định. Loại định nầy vắng mặt trí tuệ và tâm đại bi.
– Cẩu Tạp Chủng đạt định " La hán phục ma " với trí minh mẫn, không dục vọng, không dính mắc, đầy nhân ái, theo Phật học đây là loại chánh định. Chỉ loại thiền định nầy mới có thể phát triển đến cao điểm, giáp mặt chân lý, giải mã được " Thái huyền kinh "
Phần 6
Hồi 5: Đinh đinh Đang đang
A. Tóm tắt Hồi 5
- Sau khi luyện xong phần nội lực theo các huyệt đạo và kinh mạch của 18 tượng La hán đất, tình cờ Cẩu Tạp Chủng đánh vỡ lớp đất bọc ngoài tượng, khám phá ra 18 tượng gỗ ở bên trong, chỉ thuần kẻ đường kinh mạch để vận hành công lực. Chàng liên tục ba ngày đêm luyện nhuần nhuyễn hết chỉ dẫn của 18 tượng gỗ và thực sự thành tựu " Phục ma thần công ", vận công theo ý muốn – nhiều cao tăng Thiếu Lâm, do quá ham muốn luyện công đã từng thất bại trong việc luyện tập La hán phục ma thần công nầy.
– Các người ở Trường Lạc bang vẫn đinh ninh Cẩu Tạp Chủng là Thạch Phá Thiên, nên thường sợ hãi chàng vì kinh nghiệm về xử xự thất thường và tàn ác của Thạch Phá Thiên, hoặc vì tánh " đa tình " (trăng nguyệt), háo sắc của chàng Phá Thiên. Tất cả cung cách và ngôn ngữ hiền hòa, lịch sự của Cẩu Tạp Chủng vì thế bị hiểu lầm là ngôn ngữ trêu chọc, mỉa mai, độc địa. v.v… khiến chàng không thể hiểu ai, và không ai hiểu chàng.
– Đinh đinh Đang đang đến kéo chàng ra ngoài đùa cợt, vì vị nể nàng đã từng săn sóc chàng khi điều thương, chàng đi theo nàng về gặp lão gia gia Đinh Bất Tam. Nhận ra nội lực hùng hậu, kỳ đặc của chàng, Đinh Bất Tam hoan hỷ chấp nhận chàng là bạn trai của cháu gái Đinh Đang của lão và ngõ ý kén chàng làm cháu rễ…
B. Ý kiến
1. Hai công phu hành thiền:
- 18 pho La hán, phần đất là phần chỉ dẫn vận khí qua các huyệt đạo và kinh mạch để thành tựu nội lực. Đây là hình thức hệt với công phu tu tập Thiền
chỉ (Samatha) của Thiền định Phật giáo. Phần này, trong công phu Thiền định tà giáo cũng có.
– 18 pho La hán bằng gỗ là phần chỉ dẫn kinh mạch để luyện công, vận dụng nội lực đã có theo các đường kinh mạch.
Phần nầy, tâm tập chú và tỉnh giác sâu hơn. Đây là bước công phu hành Thiền quán (Vipassana), hay Chỉ-Quán song hành, của Thiền định Phật giáo.
Kim Dung giới thiệu: nếu hành giả biết cách thu phát nội lực theo ý muốn, thì chỉ lực phóng ra sẽ như là đường kiếm báu, biểu hiện một sức mạnh vô song. Đây là biểu tượng của trí tuệ giải thoát có thể trực tiếp cắt đứt các phiền não, các tâm lý trói buộc, mà không chỉ chế ngự chúng.
Phần thiền quán nầy nếu liên tục được phát triển, thì sẽ đi tới điểm giải mã bí kíp của "Thái Huyền Kinh ".
2. Ý nghĩa " Phục ma "
- Ma là chỉ các việc làm của thân, lời, ý sai lầm dẫn đến hại mình, hại người, đem phiền não, khổ đau đến cho mình và người.
– Ma còn có nghĩa là chỉ những gì ngăn che tâm thức con người khỏi sự thật, chân lý, giải thoát. Dục vọng, chấp ngã, chấp trước các cảm thọ, tri kiến, đều thuộc đường ma, theo nghĩa rộng hơn.
Phục ma là hàng phục, chế ngự, loại trừ các tác nhân vừa đề cập ở trên.
...