Về sau, tôi có kể chuyện này cho Linh. Nghe đoạn bị đánh, em cười ngặt ngẽo không thôi. Tôi hầm hừ:
- Sao? Cười gì?
- Mày bị đánh thì tao cười chứ sao! – Em ôm bụng vừa trả lời, vừa ngăn mình cười tiếp.
- Đan Mạch, mày cười trên nỗi khổ của người khác à? – Tôi cười đau khổ.
Em còn chế giễu tôi thêm một hồi nữa rồi nói:
- Học đi! Nghe nói cuối năm, đứa nào đội sổ sẽ phải chuyển đi và nhường cho bọn lớp khác đấy!
- Thật á? Sao mày biết?
- Hôm 20/11, bố mẹ tao tới nhà bả thì bả bảo vậy. Bố mẹ tao bảo bả kêu ca mày nhiều lắm! Dự là cuối năm sẽ đuổi mày ra khỏi lớp.
Cái mặt tôi thộn dần. Đuổi tôi? Đời tôi sẽ về đâu? Tôi mới làm bạn với thằng Choác được một năm! Còn Linh nữa! Tôi không cho phép bất cứ thằng vẹo nào ngồi cạnh em, tôi sẽ đánh nó, kể cả đó là thằng Choác!
- Bố mẹ tao bảo tránh xa mày ra! – Linh cười.
- Thế mày muốn tránh tao thật à?
Em chống cằm, mắt ngước lên cao, đầu ngúng nguẩy:
- Không biết! Nhưng tóm lại là học đi!
Tôi ậm ừ, trong lòng lợn cợn những lời nói của bà chủ nhiệm. Bả không những “đấu tố” tôi trước mặt bố mẹ, mà còn tố tôi trước mặt phụ huynh của Linh. Mất mặt trước người con gái mình thích, còn gì khó chịu hơn? Từ đó, sự căm ghét của tôi với bà chủ nhiệm vĩnh viễn không thuyên giảm.
Mà tôi vừa nói gì ấy nhỉ?
À!
“Cô gái mình thích”!
Sau món quà sinh nhật, tôi để ý Linh nhiều hơn. Dần dà, sự để ý đó biến thành một thứ tình cảm khó hiểu mà đến chính tôi cũng không hiểu. Phải, lớp 7, một tuổi mới, lũ choai choai bắt đầu chú ý bọn con gái – sinh vật ngoài hành tinh nổi tiếng thời cấp một. Những con bé xinh xắn luôn là đối tượng lọt vào tầm ngắm của bọn chọi con. Ngoài game, bọn con trai thường bàn một chủ đề mà đi đâu cũng gặp, đại loại như vầy:
- Ê, mày biết con bé kia không?
- À, con Hằng ở lớp B. Sao?
- Mày biết nó không?
- Không, nghe mấy thằng kể thôi. Sao?
- Tao sẽ cưa nó
- Hố hố hố!
Hoặc như chuyện giữa tôi với thằng Choác. Hai thằng vốn chỉ kể chuyện game, nhưng rồi một ngày kia, giữa giờ ra chơi. Thằng Choác lôi tôi ra một chỗ, và bằng một giọng nói thần bí, nó phát ngôn thế này:
- Mày thấy con Miu (biệt danh) xinh không?
Tôi chau mày nhìn nó. Bạn tôi đây sao? Thằng Choác nhăn nhăn nhở nhở đây sao? Tôi chớp chớp mắt, nói:
- Mày là thằng nào? Sao đội lốt bạn tao?
- Đan Mạch! Tao đang hỏi tử tế! – Thằng Choác làm vẻ mặt nghiêm trọng – Mày thấy sao?
Tôi nghển cổ ngó con Miu qua vai thằng Choác. Con bé này tuy thấp người nhưng được cái mặt mũi xinh xắn. Tôi gật gù:
- Ờ! Cũng được! Rồi sao? Mày thích nó à?
- Không! Hỏi vậy thôi!
- Ơ…Đan Mạch! thế tự nhiên mày hỏi nó xinh hay xấu làm gì?
Thằng Choác không trả lời. Nó luôn kín miệng chuyện tình cảm của mình. Chục năm sau, tôi có hỏi lại nhưng nó không bao giờ đưa ra câu trả lời nghiêm chỉnh. Thôi thì chuyện riêng của mỗi người! Tuy nhiên, tôi khẳng định ngày đó thằng hẹo này bắt đầu phát triển như một người đàn ông. Trai ngắm gái, thường thôi! Trái ngắm trai mới nguy hiểm!
Con trai phát triển, con gái cũng rứa. Nhưng con gái phát triển theo chiều hướng khác biệt hơn. Như một lũ sư tử cái bị thu hút bởi những con sư tử đực có hormone nam tính cao, bọn con gái luôn để ý những thằng cao ráo đẹp mã hoặc cá tính (tôi không ở trong đó, dĩ nhiên!). Khó tìm được thằng cao ráo đẹp mã vì cái tụi sinh năm 90 thoát khỏi thời bao cấp chưa lâu, bố mẹ chăm bẵm là tốt rồi, lấy đâu ra thể loại sữa DHA với ti tỉ tì ti dưỡng chất thông minh như tụi trẻ bây giờ? Vậy là chỉ còn cách thể hiện chất nam tính. Mà chẳng cách thể hiện nào tốt hơn…đánh nhau. Mười năm cuối cùng của thế kỷ 20, gần như mọi thằng con trai đều coi mấy phim chưởng Tàu, hoặc phim “Người trong ao hồ” (Người trong giang hồ). Vậy là tụi trẻ cấp hai (cả cấp ba sau này) thành lập băng nhóm và…đánh nhau. Đánh nhau không vì lý do gì cả. Ở mấy thằng gấu bể kiểu này, có cái gì đó khiến bọn con gái quằn quại lắm. Các cô thiếu nữ luôn khoái loài sói – những thằng bất cần đời và đầy kiêu ngạo. Sau này, tôi mới nhận ra rằng, những thằng gấu bể ấy biết giữ lời hứa và biết thay đổi, còn những thằng đầu to mắt cận ốm yếu như tôi thì không. Nhưng đấy là chuyện sau này.
Trong số mấy đứa con gái quằn quại vì loài sói kể trên có Linh. Mấy dạo cuối học kỳ I, em thường nói chuyện với thằng Gà (biệt danh). Mặt mũi thằng này khôi ngô hơn bọn con trai đồng lứa, trong lớp nói chuyện nhiều hơn học, ngoài trường thì đánh nhau suốt. Nó là một con sói không theo chuẩn mực thông thường. Và với các em gái sống theo lề lối thông thường, thằng Gà là một thứ kỳ lạ đáng để tìm hiểu. Một ngày nọ, nhìn thấy Linh cười nói với thằng Gà, tôi liền nhào tới đấm thằng ôn. Nó khỏe hơn nên vật ngửa tôi ra và giáng những cú đấm như quả tạ thẳng mặt tôi. Cả lớp lúc ấy bu vào kéo hai đứa ra còn Linh khóc nức nở. Thằng Gà vừa đánh vừa chửi, tôi vừa chửi vừa đánh. Lúc ấy tôi không biết mình làm gì nữa, chỉ biết thâm tâm tôi nảy sinh một sự ích kỷ ghê gớm. Tôi không muốn thằng vẹo nào nói chuyện hay cười đùa với em.
Nhưng cái màn đánh nhau trên chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi thôi, he he! Tôi gầy gò ốm yếu, thằng Gà đấm một phát là tôi dính tường in chữ tượng hình Ai Cập luôn. Kể từ ngày ấy, tôi cố gắng tìm mọi cách để níu giữ trái tim em luôn trong tầm tay của mình.
Ví dụ như chuyện học hành, tôi muốn ngồi cạnh em cả giờ học chính lẫn học thêm. Học chính thì không nói chứ học thêm ngồi tự do, muốn chen chân ngồi cạnh em không dễ. Con gái chẳng muốn ngồi cạnh thằng con trai, mà chẳng thằng con trai nào tự dưng đến ngồi cạnh đứa con gái, kể cả là đứa nó thích. Vậy là muốn ngồi cạnh em, tôi phải áp dụng triệt để chiến lược “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. “Thiên thời” là Linh thường đến lớp học thêm sau khi cả lớp ổn định chỗ ngồi, vậy nên em sẽ ngồi hàng cuối. Tốt! Tôi ngồi hàng cuối. “Địa lợi” là các lớp học thêm đều tổ chức ở khu nhà cũ của trường, ở đấy vẫn còn bàn ghế dành cho bốn đứa học sinh. Tôi có thể ngồi cạnh em cộng thêm đứa bạn của em mà chẳng sợ ai dị nghị. Nhưng còn “nhân hòa” là tâm sinh lý của Linh, tôi không thể kiểm soát. Có hôm em lên thẳng bàn trên ngồi, chẳng thèm để ý thằng vẹo này đang há mồm ngồi cuối lớp. Nhưng những hôm ngồi cùng em, tâm trạng tôi lâng lâng khó tả, nhất là quãng thời gian trời chuyển sang mùa đông. Có những lúc, tôi sán lại gần Linh, hai cánh tay chạm nhau, đuôi tóc của em phất phơ ở bờ vai tôi; em liền thì thào:
- Ngồi dịch ra mày, chật!
- Đang lạnh mà mày, ấm! – Tôi đáp.
Và em cũng chẳng chịu dịch ra, chỉ chống cằm rồi khẽ cười. Chúng tôi cứ ngồi thế tới hết buổi. Sau này, hễ ngồi cạnh nhau, tôi lại xán vào một tí và Linh cũng chẳng nói gì (trừ học chính). Dần dà, tôi quen thuộc mùi hương trên tóc em lúc nào chẳng hay. Tôi nhớ rất rõ cái mùi ấy. Nó hoàn toàn không phải dầu gội mà là một cái gì đó thoang thoảng, gợn lên từng chút rung động trong trái tim thằng con trai.
Sau này, khi biết em sinh nhật vào tháng 1, tôi dự định tặng em món quà nho nhỏ nào đó. Đã qua rồi cái thời tặng quyển vở hay cái bút như các anh chị thế hệ 8x, nên tôi chẳng biết tặng gì cho em. Tiền thì không có (đàn ông khổ nhất khi không có tiền), xin phụ huynh thì không dám (mẹ mà biết tôi mua quà tặng bạn gái, bả cười tốc mái nhà). Tôi bèn hỏi thằng Choác:
- Này, con gái thích được tặng quà gì?
- Quà mịa gì! – Nó cười phớ lớ – Rủ nó đi ăn là xong! Hôm sinh nhật con Miu, tao bao nó ăn nộm với cá chỉ vàng ngoài cổng trường chứ đâu!
- Đã tặng quà rồi cơ à? Nhanh nhỉ? Ơ…Đan Mạch! Sao mày không rủ tao?
Nghe lời thằng Choác, tôi rủ Linh đi ăn. Khổ nỗi em lại từ chối vì bận đi chơi với con bạn thân (đúng ngày thế!). Tôi nghĩ nát óc chẳng biết tặng quà gì, bèn đợi giờ ra chơi thì chạy ra cổng trường. Trước cổng trường ngày ấy có bà già bán kẹo kéo; bả bán rẻ không, có 500 đồng một chiếc. Tôi mua hẳn 5 nghìn! 5 nghìn đủ cho cả tôi và thằng Choác say sưa trong quán net đã đời. Nhưng không, tôi quyết định dành nó cho việc tặng quà. Và thế là ngăn bàn của Linh chất đống túi kẹo kéo. Em ngỡ ngàng hỏi:
- Cái gì vậy mày?
Tôi lúng búng trả lời:
- Ờ…ờ thì…quà sinh nhật. Hôm nay sinh nhật mày, đúng không?
- Nhưng mà tao đâu thích kẹo kéo? Ai bảo mày mua?
Tôi cứng họng, đỏ mặt tía tai, miệng nở nụ cười chữa ngượng. Tặng một quà mà người ta không thích, còn gì xấu hổ hơn thế? Suốt buổi sáng hôm ấy, tôi thẫn thờ như thằng mất hồn. Công cuộc chinh phục trái tim “cô gái mình thích” đổ bể hoàn toàn. Tôi nghĩ tôi hiểu Linh song rốt cục tôi chẳng hiểu gì cả. Điều duy nhất an ủi tôi là em mang đống kẹo kéo về. Em sẽ không ăn mà đưa cho đứa bạn thân ham mê kẹo kéo. Chắc thế!
Buổi chiều, dù cho Linh đã ngồi bên cạnh trong lớp học thêm toán, cái mặt tôi cũng chẳng vui hơn tẹo nào. Tôi bắt đầu phân vân thằng Gà đã tặng em cái gì. Nghĩ vẻ mặt sung sướng của em khi thằng Gà tặng quà, tôi lại thêm đau đớn. Bầu trời ngoài kia rít lên từng đợt gió buốt như muốn xẻ tanh banh tâm trí rối bời của tôi. Tổ sư thằng Choác! – Tôi muốn gào lên như thế, dù nó chẳng có lỗi gì.
Đang buồn chán, bỗng tôi thấy Linh đẩy tờ giấy về phía mình, mặt giấy ghi dòng chữ nhỏ:
“Mày mua nhiều quá, trưa hết ăn cơm luôn!”.
Tôi ngỡ ngàng, bản mặt bừng sáng hơn cả mặt trời. Tôi hí hoáy viết:
“Ăn thật à? Tao tưởng mày bỏ đi chứ?”.
“Ăn thật chứ sao không. Nhưng mày mua nhiều quá! TT”.
“Mày không thích ăn kẹo kéo à?”.
“Ừ. Tao không thích ngọt quá. Mà sao mày lại tặng tao?”.
“Thì lần trước mày tặng quà cho tao rồi thì giờ tặng lại chứ sao?”.
“Nhưng giá trị cái đống đĩa ấy nhiều hơn kẹo kéo á! ^^ Tao lặn lội tận Hàng Bông mới mua được đấy!”.
“Ờ thì cứ nhận đi. Sau này tao mua thứ khác. Mà Đ.M, hôm nay hết tiền đi chơi điện tử rồi! TT”.
“Học đi! Nhưng mà cảm ơn mày nhé!”.
Bạn nghĩ bản mặt tôi lúc ấy toe toét cỡ nào phỏng? Nhưng không, cái mặt tôi đang đần ra. Bởi lẽ Linh đang nhìn tôi. Em nhìn tôi cùng một nụ cười mỉm, đôi môi em vẽ một đường cong phạt ngang trái tim tôi thành hai nửa. Gió khẽ len qua ô cửa kéo vài sợi tóc của em phất phơ ngang mặt tôi.
Lúc ấy, tôi bị đánh gục.
Gục hẳn luôn, như bị một đòn nốc ao trên sàn đấu boxing!
Chẳng cần vũ lực, chẳng cần ai quát nạt, một cái gì đó tôi tự động khuỵu chân xuống. Tôi chắc chắn rằng đến tận bây giờ, “một cái gì đó” nọ vẫn chưa thể đứng dậy nổi. Bằng sự điên rồ, ngu ngốc, bốc đồng và liều lĩnh của tuổi trẻ, đợi em cúi xuống chép bài, chẳng nghĩ chẳng rằng, tôi bèn nhoài tới hôn thẳng lên má em.
Khoảnh khắc ấy diễn ra cực kỳ nhanh. Nhưng nó đủ lâu để tôi biết má em thế nào, nó giống một cục bông mềm, mịn, đượm chút hương vị đặc trưng tuổi thiếu nữ. Và nó đủ lâu để Linh nhận ra tôi vừa làm cái trò gì. Tôi nhìn em bằng nụ cười nhe răng, em nhìn tôi với ánh mắt không thể tin nổi.
Rất nhanh sau đó, đôi mắt em đỏ hoe và ngấn nước. Tôi vội vàng cúi xuống ghi chép như thể chăm chỉ học tập lắm. Lớp học vẫn yên lặng như chẳng có gì xảy ra, bà chủ nhiệm vẫn cặm cụi với đống bài vở. Thậm chí cả đứa bạn thân của Linh cũng không biết. Chẳng ai thấy điều tôi vừa làm với em. Rồi Linh cúi xuống chép bài, nước mắt rơi ướt đẫm trang giấy khiến những con chữ loang màu. Đứa bạn thân liền hỏi em:
...