Tôi nói với Mio, lúc này vẫn nắm chặt tay tôi.
“Thật không?”
“Thật.”
Tôi mở bàn tay ra, sau đó nắm lại.
“Em nhìn này!” tôi nói. “Tay anh cử động được rồi.”
Lòng bàn tay tôi vẫn còn vết hằn của móng tay. Nếu lúc trước Mio không cắt móng tay cho tôi, hẳn chỗ này đã có thương tích.
“Chà!” Mio thở dài.
“Tốt rồi…”
“Xin lỗi em,” tôi nói.
“Anh làm em lo quá phải không.”
Nàng gật đầu, mỉm cười như trút được gánh nặng.
“Cứ thế này thì em tổn thọ lắm.”
Sau này tôi mới biết, đó là câu nói châm biếm của nàng.
Hỏi han tình hình xong, bác sĩ lấy máu và kiểm tra xem tôi có bị dị ứng gì không. Kết quả kiểm tra không thấy có vấn đề gì. Bác sĩ nhìn tôi như nhìn một kẻ giả vờ ốm. Tôi đã quen với kiểu nhìn này. Tuy nhiên, đúng là tôi bị sốt thật nên tôi vẫn phải truyền nước Ringer[1"> xong mới được phép về nhà.
[1">. Một loại nước muối được đặt tên theo nhà bác học người Anh S.Ringer -75 – người sáng chế ra loại nước muối này.
Lúc về, chúng tôi đi bằng taxi nhưng chẳng vấn đề gì. Hình như chất hóa học đã cạn hết nguồn hàng.
Về đến nhà, tôi phải chườm đá. Đây là chỉ định của bác sĩ.
“Chồng có lạnh không?” Mio hỏi.
“Anh không,” tôi trả lời. “Rất dễ chịu. Giống như người băng trên núi Alps.”
“Gì cơ? Người băng?”
“Đó là tên được đặt cho người đàn ông ngủ suốt nghìn năm dưới sông băng.”
“Chắc ông ấy mơ thấy nhiều thứ lắm.”
“Hẳn rồi.”
Mio lấy sữa chua trong tủ lạnh ra, rưới mật ong lên rồi đặt bên cạnh gối tôi.
“Chồng ăn nhé?”
“Ừ. Anh sẽ thử.”
Nàng đưa thìa sữa chua lên tận miệng tôi. Tôi nghiêng cổ, đưa miệng đón lấy thìa sữa.
Một cảm giác mát lạnh rất dễ chịu. Mùi mật ong êm dịu phảng phất trước mũi.
“Chồng bị thế này bao giờ chưa?” Mio hỏi.
“Mấy lần rồi,” tôi trả lời.
“Đây là lần thứ ba phải viện đến xe cấp cứu.”
“Hai lần trước em cũng đi cùng chồng à?”
“Ừ. Đúng vậy. Lần trước em cũng gọi xe cấp cứu cho anh. Hình như cả hai lần đều vào ban đêm.”
Nàng đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, tay vẫn cầm thìa sữa chua. Từ góc nhìn này, thật khó có thể đọc được suy nghĩ của nàng. Tôi chỉ có thể cảm nhận được tâm trạng nàng đang rất xáo trộn qua chiếc thìa đang rung rung trên tay nàng.
Nàng là một người thực tế nên tôi đoán nỗi lo của nàng cũng thực tế.
Nàng hỏi tôi bằng thứ giọng cao, mỏng, khẽ rung ở cuối như mọi khi:
“Nếu em không ở đây nữa, ai sẽ đưa chồng đến bệnh viện?”
Âm điệu trong giọng của nàng nghe rất thờ ơ, đến nỗi chỉ cần lơ đãng một chút là sẽ bị nghe sót. Đó là âm điệu của mấy thứ đồ giặt đang lo không biết làm sao cho khô.
“Gì cơ?” tôi nói.
Hình như nàng vừa hỏi điều gì rất quan trọng. Nàng nhìn tôi rồi khẽ mỉm cười. Một nụ cười vô cùng hiền hậu.
“Em lo cho chồng.”
Nàng tiếp tục đút sữa chua cho tôi. Tôi ngậm chiếc thìa trong miệng, cảm nhận hương vị của sữa chua. Tôi hỏi nàng.
“Em vừa bảo nếu em không ở đây nữa?”
Nàng nghiêng đầu trêu tôi. Nàng mở to mắt, như thể muốn hỏi: Anh nói gì cơ?
“Em vừa nói vậy đúng không?”
“Vâng,” nàng trả lời. “Khi nào mùa mưa kết thúc.”
Nghe câu này của nàng, tôi chột dạ.
“Em nhớ lại rồi à?”
Nhưng nàng chỉ lắc đầu.
“Em vẫn chưa nhớ được. Dù rất muốn.”
“Vậy thì.”
“Em đọc rồi. Tiểu thuyết chồng viết.”
Tình cờ em tìm được, nàng nói.
“Lúc em dọn tủ, hộp đựng giày bị rơi, em tìm thấy trong đó.”
Tôi gật đầu.
Tôi giấu mọi thứ trong hộp đựng giày đó. Cuốn vở dùng để viết tiểu thuyết. Những giấy tờ phải giấu nàng. Giấy tờ có dính líu đến việc nàng không còn sống như hóa đơn viện phí, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong nghĩa trang.
Lẽ ra tôi phải cất mấy thứ đó vào chỗ kín đáo hơn, nhưng với căn hộ chật chội thế này thì chẳng có chỗ nào gọi là tuyệt đối cả.
“Em tìm thấy khi nào?” tôi hỏi.
“Khoảng một tuần trước.”
“Anh xin lỗi vì không nhận ra.”
“Không. Em cũng không định nói với chồng. Chồng cứ coi như không biết nhé.”
“Ừ.”
“Nhưng em thấy mình cần sắp xếp mọi việc chu đáo trước khi đi.”
“Chu đáo?”
“Để hai bố con có thể yên tâm sống, với lại em cũng muốn chào tạm biệt hai bố con.”
“Nếu anh bảo tiểu thuyết anh viết là hư cấu thì em có tin không?”
Nàng cười buồn rồi khẽ lắc đầu.
“Biết nói thế nào nhỉ. Phải đến khi đọc xong tiểu thuyết đó em mới hiểu được mọi chuyện. Hiểu được cảm giác lạ lẫm bấy lâu nay.”
“Cảm giác lạ lẫm?”
“Cảm giác hình như em không thuộc về thế giới này. Em đã cảm thấy như thế. Sau khi biết toàn bộ sự việc, em thấy yên tâm hơn một chút. Hóa ra em là người trên tinh cầu Lưu Trữ.”
Ngoài ra, nàng nói.
“Thái độ của hai bố con cũng rất lạ. Thỉnh thoảng chồng kể chuyện của chúng mình như thể đang nói về chuyện trong quá khứ.”
Tôi không biết. Tôi không biết nhưng nàng lại biết. Tôi đã ngưng viết tiểu thuyết kể từ lúc nàng về đây. Nhưng như thế cũng đủ. Nàng chỉ cần xem nốt mấy tờ giấy kia nữa thôi.
“Chồng im lặng là vì em phải không?”
Tôi nín thinh, không nói gì.
Chồng đừng làm mặt như thế, nàng nói.
“Em ổn mà.”
“Em lúc nào cũng nói thế,” tôi nói.
“Vì em đang ở bên chồng.”
Em thấy bình yên khi ở bên chồng.
“Anh muốn được ở bên em suốt đời.”
“Em cũng muốn. Nhưng, có lẽ…”
“Vì em quyết vậy rồi?”
“Em không biết. Em không biết gì cả. Nhưng em đã nói với chồng. Rằng em sẽ về khi mùa mưa đến.”
Vì vậy, có lẽ…
“Em sẽ đi khi mùa mưa kết thúc.”
“Hãy ở lại đây.”
“Em phải làm thế nào?”
Nàng hỏi rất nghiêm túc. Hơn ai hết, nàng mong có được câu trả lời.
“Nói cho em biết đi.”
Tôi không thể trả lời được. Chắc chắn không ai có thể trả lời được câu hỏi nàng. Hoặc có người biết nhưng họ sẽ không chịu mở miệng.
“Có chuyện này anh định nói với em từ lâu,” tôi nói.
“Chuyện gì ạ?”
“Anh nghĩ em nên đi gặp bố mẹ một lần.”
“Gặp thế nào? Em sẽ nói là Chào bố mẹ, con đã về đây ư?”
“Tất nhiên là không rồi.”
“Nhưng với thầy Nombre thì không vấn đề gì đúng không?”
“Ừ, đúng vậy.”
Nàng nói là không nên đi gặp bố mẹ.
“Có lẽ việc em mất trí nhớ là để tránh cho em có những lưu luyến không cần thiết.”
“Vậy sao?”
Nàng gật đầu.
“Em không thể nhớ được gương mặt của bố mẹ. Có gặp em cũng chẳng biết nói gì. Sẽ chỉ thấy đau khổ mà thôi.”
“Có lẽ vậy chăng?”
“Chắc chắn rồi.”
Như chợt nhớ ra điều gì, nàng vội vào buồng trong lấy ra chiếc hộp bánh bằng thiếc.
“Ồ, chiếc hộp đó.”
“Em tìm thấy hộp này cùng với cuốn tiểu thuyết.”
“Anh quên mất. Hóa ra anh cất trong đó.”
Đó là chiếc hộp cất những bức ảnh.
“Bức này.”
Nàng lấy một bức ảnh ra, giơ lên ngang tầm mắt tôi.
“Trông em cứ như người khác.”
Bức ảnh chụp hồi đám cưới. Nàng mặc chiếc váy cưới màu trắng, còn tôi mặc bộ vest Tuxedo. Nàng cười chúm chím, còn mặt tôi trắng nhợt như tờ giấy do căng thẳng.
“Đẹp quá.”
“Em đẹp?”
“Đương nhiên rồi.”
Cám ơn chồng, nàng nói.
“Trông chồng có vẻ không được khỏe.”
“Đấy là lúc anh sắp bị ngất. Suốt lễ cưới, em luôn hỏi anh có không?”
“Vất vả đến thế sao?”
“Lúc nào chả thế. Nhưng anh đã hoàn thành xuất sắc.”
“Cám ơn chồng.”
“Không không.”
Bức ảnh thứ hai là ảnh tập thể chụp trước cửa nhà thờ.
“Đây là bố em, mẹ em, đây là em gái và em trai em.”
Tôi chỉ cho nàng từng người.
“Trông ai cũng hiền lành.”
“Ừ.”
“Nhưng đám cưới có vẻ nhỏ nhỉ. Chỉ có từng này người?”
“Ừ, tất cả đấy. Toàn người trong gia đình thôi. Người cao lớn đứng ngay phía sau là cha cố.”
“Ông là người nước ngoài à?”
“Ừ. Tên ông ấy là Hardman. Ông rất giỏi tiếng Nhật.”
“Chúng mình đã thề nguyện trước mặt người này?”
“Ừ, chúng mình đã thề nguyện trước mặt ông ấy.”
“Chúng mình có giữ được lời thề không?”
“Có chứ. Chúng mình luôn yêu nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào còn gì?”
“Vâng.”
“Lúc nào cũng thế.”
Sau đó, những bức ảnh tái hiện cuộc sống của chúng tôi tại căn nhà này lần lượt được lấy ra.
“Bức này trông bụng em to quá.”
“Yuji đang nằm trong đó mà.”
“Mặt em sưng hết cả lên.”
“Ừ, hồi này, sức khỏe em bắt đầu xấu đi.”
“À, ra vậy.”
“Đây là ảnh Yuji lúc mới sinh xong ạ?”
“Mặt thằng bé rõ là buồn cười.”
“Đâu có. Đáng yêu thế này cơ mà?”
“Anh thấy hơi buồn cười.”
“Ừ nhỉ,” nàng nói. “Công nhận.”
“Được nửa năm là cu cậu bắt đầu thay đổi. Tóc mọc nhiều hơn, mắt nhìn cũng lanh lợi hơn.”
“Còn bức này?”
“Đó, từ hồi cu cậu được nửa năm đó.”
“Công nhận là giống hoàng tử Anh quốc.”
“Ừ, chính xác.”
“Chà, bức này con cầm bao nhiêu bu-lông trên tay.”
“Thằng bé có sở thích này từ lâu rồi. Cu cậu đã đeo đuổi suốt cả cuộc đời còn gì.”
“Trông con chẳng khác mấy so với bây giờ.”
“Con thuộc dạng lớn chậm. Giống anh.”
“Vậy sao?”
“Đến giờ anh vẫn còn răng sữa, răng khôn thì chưa có cái nào.”
“Đúng là chậm dậy thì.”
“Ừ, anh còn chưa lên sởi lần nào cơ.”
Lát sau, tôi ngủ thiếp đi vì mệt.
Lúc tỉnh lại, tôi không thấy Mio ở trong phòng.
“Mio ơi?” tôi thấy lo nên gọi thử.
“Chồng tỉnh rồi à?”
Nàng bước vào phòng.
“Em thử đo nhiệt độ cho chồng nhé?”
Thân nhiệt của tôi đã giảm xuống còn 38.1 độ
“May quá, chồng hạ sốt rồi.”
“Ừ, anh cũng thấy đỡ hơn.”
Chồng này, nàng nói.
“Sau này, nhỡ chồng lại bị giống hôm nay thì sao? Em không còn ở đây nữa đâu.”
“Không sao. Chưa đến mức đe dọa đến tính mạng. Lần nào cũng tưởng như chết đến nơi rồi, thế mà đã chết lần nào đâu.”
“Nhưng chỉ có mỗi mình chồng.”
“Có Yuji nữa,” tôi nói.
“Hôm nay tình cờ thế nào lại vào ban ngày đấy, mọi khi anh toàn bị ban đêm. Lúc Yuji có nhà.”
Thằng bé trông vậy nhưng rất đáng tin cậy. Nghe tôi nói, nàng ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu.
...