Sau cuộc họp nhanh chóng, tôi nổi hứng chiều nay muốn đi sâu vào bản chụp ảnh và lấy thêm tư liệu cho bài viết sinh động. Rủ Nhi đi mà nó nhất quyết không đi, cả quãng đường đi rất xa, không xe nào vào được, chỉ có phương tiện duy nhất là cuốc bộ, tôi cũng muốn rủ Thuỳ lắm nhưng e cô ấy không quen đi bộ, sẽ rất mệt mà chẳng nhẽ lại lụi cụi đi một mình, tôi cứ đánh liều rủ Thuỳ. Không ngờ Thuỳ đồng ý ngay, mặc cho tôi cảnh báo trước là sẽ phải đi bộ, Thuỳ vẫn háo hức gật đầu. Ăn trưa xong, tôi và Thuỳ ngả lưng độ 1 tiếng để lấy sức.
2 giờ chiều chúng tôi lên đường thực hiện hành trình của mình. Tôi đeo trên vai cái ba lô nặng trĩu gồm đồ ăn nhẹ và nước uống, máy ảnh để lòng thòng sẵn trước ngực. Cái khí thế hừng hực của tuổi trẻ đang đốt cháy chúng tôi. Cứ như thế cả 2 đi sâu vào bản, một bản nhỏ nằm phía trong thung lũng, đường đi ghồ ghề, toàn đất đỏ quạch, bụi mù mịt. Cái nắng hanh hanh như trời thu HN làm chúng tôi thấy nhớ Thủ đô da diết. Sapa hầu như không có mùa hè, khi HN nắng như đổ lửa trên vùng cao này trời vẫn se lạnh, bạn vẫn phải khoác cái áo mỏng khi đi ra đường. Còn vào mùa đông thì những ai không chịu nổi rét chớ dại mà mang thân lên đây, rét lắm, rét đến thâm tím mặt mày, da thịt như đông cứng lại. Có những mùa nhiệt độ tụt xuống 1-2 độ C, trời còn có tuyết, năm ấy tôi cũng chen chúc trong dòng người đổ lên đây ngắm tuyết rơi, hiện tượng thiên nhiên kỳ thú chẳng nơi nào trên đất nước có được. Tuyết phủ trắng nóc toà nhà thờ cổ kính, tuyết đọng trên những cành cây khẳng khiu, trơ trụi, tuyết trắng xoá, nổi bật trên mái tóc đen nhánh của tôi. Ấy vậy nhưng trẻ con nơi đây nó khoẻ mạnh lạ kỳ, trong khi tôi và Thuỳ áo đơn áo kép thì chúng vẫn trần trùng trục, chạy chơi khắp khoảng vườn phía trước nhà chả bù cho lũ trẻ thành thị thì chỉ thoáng hở ra là viêm họng, sốt…Thuỳ cứ đứng ngắm thằng nhỏ chừng 4 tuổi tròn trịa và thông minh, cu cậu đang bơi trong vũng nước đen ngòm, con trâu to tướng đang dầm mình ngay bên cạnh. Cu cậu ngước đôi mắt trong sáng, đen láy trên khuôn mặt đầy bùn đất nhìn Thuỳ, làn da nâu bóng, khoẻ khoắn. Thuỳ ra hiệu cho tôi dừng lại, mở ba lô lôi ra ít bánh kẹo đưa cho cu cậu. Thằng bé thích chí gọi toáng lên bằng thứ tiếng dân tộc mà chúng tôi chẳng tài nào hiểu được. Chỉ trong giây lát, một lũ nhóc con xinh xắn như những con khỉ trong Tây du ký ở đâu ùa ra. Thuỳ bối rối nhìn tôi : – Lam ! Lam ơi! Bọn nhóc xinh quá! Tôi gật đầu, Thuỳ nhanh tay chia quà cho từng đứa, lũ trẻ sướng quá, mở ra ăn ngon lành ngay trước mặt chúng tôi.
Chia tay bọn trẻ, tôi dẫn Thuỳ đi tiếp về phía thác nước, từ xa đã nghe thấy tiếng ầm ầm của dòng nước đổ từ trên cao xuống. Thuỳ đi nhanh hơn, khung cảnh đã lộ ra sau rặng tre rậm rạp, thác nước hùng vỹ, ngạo nghễ từ trên núi cao đổ xuống tung bọt trắng xoá. Cả quãng đường đi xa lắc, lúc lên dốc lúc xuống ghềnh làm chúng tôi mệt nhoài. Tôi tìm một chỗ phẳng phiu, đặt ba lô xuống, Thuỳ cũng ngồi bệt ngay xuống cạnh tôi, cái quần jean mới cũng chẳng làm cô ấy thấy bận tâm. Điều đó làm tôi thích Thuỳ, một bác sỹ chan hoà, không ngại vi trùng, tôi rất sợ những cô tiểu thư cảnh vẻ, lúc nào cũng ưa chuộng sự sạch sẽ, nhất quyết không bao giờ chịu ngồi bệt. Lúc trước khi còn đang là sinh viên, tôi đã nói thẳng vào mặt một cô bạn “Cậu là người vô văn hoá” chỉ vì cô ấy chuyên lấy báo của tôi để lót xuống ghế ngồi cho đỡ bẩn quần. Trông cô ấy lúc nào cũng quần là, áo lượt đi đứng thướt tha cái kiểu chẳng màng tới sự đời trong khi tụi con gái lớp tôi nhiều đứa như hổ vồ, nhanh nhẹn, hoạt bát để dành lấy những cơ hội về phía mình. Với tôi, con gái như thế thì đàn ông chẳng bao giờ nên lấy nhưng chắc chắn là đàn ông thì họ lại không nghĩ như tôi.
Thuỳ ngồi bên tôi, ánh nắng vàng lướt qua mái tóc màu hạt dẻ, mặt cô ấy ửng hồng, trông khoẻ mạnh hơn khi cô ấy ở HN. Thuỳ cứ nhìn ngắm mãi những gì cô ấy thấy ở đây, mới lạ và đầy hấp dẫn. Giữa cái hùng vỹ của núi rừng chúng tôi thấy mình bé nhỏ làm sao.
Trời chuyển về chiều, bóng nắng đã bắt đầu vội vã như chuẩn bị lẩn trốn. Tôi kéo Thuỳ đứng dậy và lại ngược quãng đường gần 3 cây số trở ra. Trên đường về, ngang qua một căn nhà nhỏ, cây mắc cọp đầu hồi nhà sai trĩu quả và đã chín đen, Thuỳ đã thấm mệt và đề nghị dừng lại nghỉ. Thuỳ nhìn thấy một cô gái dân tộc đang ngồi cho con bú trên bậu cửa, xung quanh là 3 đứa khác sàn sàn nhau, cách nhau quãng độ 1 tuổi. Cô ấy hỏi qua hơi thở : – Con gái chị mấy tuổi rồi?
Người phụ nữ cười để lộ hàm răng đen bóng, trả lời với giọng Kinh ngọng nghịu : – Nó một tuổi. – Chị có mấy đứa con rồi? – Bốn đứa. – Thế năm nay bao nhiêu tuổi mà đã có 4 đứa? – 25 tuổi. – Hả? Thuỳ ngạc nhiên kêu lên và nhìn tôi cười khúc khích. Cô ấy rút ví và lấy tiền cho bọn trẻ, người phụ nữ cười tít mắt nói : – Cảm ơn!
Có vẻ như chính sách dân số chưa lên đến thị xã vùng cao này, trong khi bằng tuổi cô ấy thì tôi vẫn còn như một đứa trẻ, vẫn mải chơi và còn chưa chịu nghĩ đến chuyện có bạn trai thì cô ấy đã một nách bốn đứa con và khuôn mặt vẫn ngời lên vẻ hạnh phúc. Thuỳ cũng vậy, đến giờ còn coi kết hôn là một thứ ràng buộc khó chịu, vậy Thùy yêu để làm gì nhỉ? Thật không thể hiểu nổi.
Chúng tôi về khách sạn khi Uy vừa gọi điện cho tôi, hắn muốn gặp tôi để bàn kế hoạch làm việc, tôi nói hắn đợi nhưng hắn cứ nhất nhất đòi sang phòng tôi, tôi đồng ý hẹn hắn khoảng 30 phút nữa hãy sang vì tôi cần phải tắm. Nhưng như nhớ ra điều gì tôi hét to “Ô! Thằng đểu này.” Thuỳ tưởng tôi gọi gì vội vàng hỏi : – Có chuyện gì thế Lam? – Không, nước nóng quá thôi.
Tôi vừa tắm vừa nghĩ đến cái động cơ thằng cha Uy sang đây, hoá ra vì hắn biết tôi ở cùng Thuỳ. Đúng là đàn ông, mắt thằng nào thằng nấy thấy gái là cứ sáng lên. Anh hùng không qua ải mỹ nhân, để rồi xem hắn làm gì để đong đưa Thuỳ đây. Mà tôi nghe nói là hắn có bạn gái rồi đấy chứ, lõm bõm thế thôi chứ tôi có mảy may quan tâm tới điều đó đâu, hắn có 10 bạn gái thì cũng mặc xác hắn nhưng vì có liên quan đến Thuỳ nên tôi mới phải phân tâm đôi chút. Thằng cha này lắm mưu nhiều mẹo, chẳng lĩnh vực nào là hắn non niểu cả. Nếu hắn mà định có ý đồ gì với Thuỳ, tôi sẽ cho hắn bẽ mặt. Nghĩ vậy nhưng tôi bỗng ngẩn tò te. Ô hay, tại sao mình lại cầm đèn chạy trước ô tô nhỉ, Thuỳ còn chưa có ý kiến gì mà tôi đã làm cái việc lo cho người ở trên ngọn thế này. Còn nữa, Uy cũng đã thể hiện gì đâu, sao tự dưng tôi lại muốn giữ điều không thuộc về mình nhỉ, vì tôi tốt bụng? Chắc thế. Tôi bước ra khi Uy đã chờ sẵn ngoài cửa, chưa được sự đồng ý của tôi nên Thuỳ chưa mở cửa mời hắn, tôi thấy mình có đồng minh. Thấy tôi, Thuỳ nhìn tôi nháy mắt : – Có anh chàng nào đòi gặp Lam kìa. – Sếp của Lam đó, hắn sang bàn chuyện công việc. – Sao gọi sếp là hắn, nếu là Thuỳ, Lam sẽ bị trừ lương đó. – Kể cả cắt lương, xin mời.
Thuỳ hơi ngạc nhiên trước thái độ không vui vẻ của tôi, cô ấy ra mở cửa cho Uy rồi nói to: – Lam à, Thuỳ đi trước, lát Lam ra sau nhé! Uy như bị điện giật nói : – Bạn cứ ở lại đi, không có gì quan trọng đâu mà. Tiếng Uy vừa dứt thì Thuỳ cũng đã khuất sau cánh cửa, tôi nhìn Uy đắc thắng, cho chết cái thằng cha quỷ quyệt, nhân tính không bằng thiên định, cơ hội lắm vào có ngày vỡ kế hoạch. Tôi hỏi Uy : – Anh định nói gì nào? – À…
Hắn cứ gãi đầu gãi tai mãi mà vẫn chưa nói được, thế là tôi đoán đúng, hắn sang đây vì Thuỳ, nhân vật chính đi rồi, hắn chẳng biết phải bắt đầu từ đâu nữa. – Ngày mai Lam định thế nào? – Ô hay, anh là sếp hay tôi là sếp, anh phải tự biết làm thế nào chứ, trừ phi anh đồng ý thì tôi sẽ làm thay cái bổn phận của anh. Lúc này Uy như sực tỉnh, hắn đứng dậy và nói : – Tôi định rồi, ngày mai tôi phân công Lam xuống bản, viết về tình hình thực tế còn tôi ở lại chụp hình và lấy tư liệu của chiến dịch.
Tôi cười khẩy, Uy giỏi lắm, làm thế có khác nào trốn việc quan đi ở chùa mà lại được ở gần mục tiêu nữa, tôi gật đầu : – Được thôi, Nhi sẽ đi cùng tôi chứ? – Tất nhiên rồi, tôi cũng không muốn để Lam đi một mình. Đạo đức giả quá! Nhưng anh là sếp, tôi sẽ không làm một nhân viên giàu tính tị nạnh, dù sao cũng để anh thử sức trong lĩnh vực chinh phục sắc đẹp, anh khéo nhưng tôi không nghĩ anh sẽ thành công. Tôi cười thầm nhìn bóng Uy đi ra, tôi cũng chẳng buồn tiễn Uy nữa.
* * *Bạnđangđọctruyệntạihttp:
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy khi tiếng điện thoại réo vang, Thuỳ đã đi trước tôi, mảnh giấy nhỏ bung ra ” Chúc Lam một ngày làm việc vui vẻ, hẹn gặp lại sau nhé!”. Tôi mỉm cười thì thầm “Ngày may mắn nhé Thuỳ”. Nhi và tôi phải đi sâu vào bản, xe ôm chỉ chở chúng tôi đến đầu con dốc, còn lại cả hai đứa phải cuốc bộ khoảng 4 km đường núi. Đường ghập ghềnh khó đi, Nhi mệt mỏi theo tôi, cô ấy không quen đi công tác ở địa bàn này. Chúng tôi băng qua một con suối nhỏ, nước chảy róc rách, trong vắt, nhìn thấy từng viên đá cuội, thứ nước mát mẻ và trong lành từ đầu nguồn chảy xuống. Tôi tháo giầy, buộc làm một và vắt lên cổ, xắn quần nắm chặt tay Nhi lội qua con suối, nước ve vãn dưới chân chúng tôi. Con suối trông hiền hoà và đẹp làm vậy nhưng vào mùa lũ nó có thể cuốn phăng những gì mà nó đi qua, từ nhà cửa, ruộng vườn thậm chí là cả những con người tội nghiệp. Qua làn nước trong vắt, tôi thấy một viên sỏi có màu sắc rất lạ, nó ánh lên vẻ màu hồng nổi lên trên những vân trắng vằn vện, tôi cúi xuống thò tay nhấc nó lên, cũng chẳng biết để làm gì nhưng tôi vẫn chùi khô nó và bỏ vào túi quần jean làm kỷ niệm. Bóng nắng đã lên đến đỉnh đầu, gay gắt như thiêu cháy da chúng tôi, điểm này cao quá nên bức xạ mặt trời diễn ra khá mạnh, tôi khát khô cổ vội mở chai nước tu ừng ực. Nhi mồ hôi mướt mao, hổn hển bảo tôi : – Chắc trưa nay không về được Lam à, xa lắm mà lại nắng nữa, ở lại ăn trưa rồi chiều về.
Tôi lấy tay che mắt, ngước nhìn lên bầu trời, há mồm để thở và bảo: – Uhm, nắng thế này đi lại cũng mệt đấy nhưng mày có mang theo đồ ăn không? – Có, chờ mày thì chết đói. Tôi gật gù, cảm ơn cái tính cẩn thận của Nhi. Xế trưa thì chúng tôi đến nơi, đó là một bản người…nhỏ gồm độ hơn chục nóc nhà xơ xài. Cái đói đã xa nhưng cái nghèo thì vẫn còn đó. Những mái nhà lợp ngói đã thẫm nâu qua các mùa mưa cứ trống tuềnh trống toàng trong cái nắng, cái gió vùng cao. Tôi rút máy ảnh chụp lại những cái khốn khó, Nhi thì hý hoáy viết lách, ghi chép. Chẳng nhà nào có người lớn ở nhà, họ đi làm ruộng hoặc vào thị trấn mua đồ, chỉ có những đứa trẻ giương đôi mắt to tròn nhìn chúng tôi tò mò.
...