Nói tóm, Đức Phật không chủ trương nên vui hay nên khổ trên phương diện cảm thọ, nghĩa là vui khổ trong vòng sống chết. Đúng hơn, Ngài khuyên chúng ta hãy tránh những khổ vui nào đưa chúng ta càng ngày càng xa sự giải thoát, và đừng tránh những khổ vui nào đưa ta tới gần giải thoát, niết bàn, là cái vui tối thượng một cảm thọ siêu thoát ngoài khổ vui thế gian.
6. CHÂN LÝ CĂN BẢN
Chân lý căn bản đệ nhất nghĩa, theo lời Phật dạy trong kinh Thắng Man chính là Diệt đế: sự tiêu diệt khổ một cách triệt để, hay niết bàn- một cảnh giới không còn bóng dáng tăm hơi của khổ. Nhưng muốn tiêu diệt hoàn toàn cái khổ thì phải thấy được cái khổ ấy một cách toàn diện đầy đủ mọi khía cạnh, chi tiết. Như nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, diệt khổ cũng vậy, phải biết rõ tất cả gốc rễ mầm mống hình trạng của nó, mới có thể diệt trừ được nó một cách toàn vẹn, triệt để. Chỉ có đức Phật mới thấy được toàn diện Khổ đế (chân lý về khổ) do đó mới biết được toàn diện Tập (nguyên nhân của khổ) tức sự tích tụ, tập họp những nhận thức mê lầm (hoặc) và những hành động của thân miệng ý (nghiệp). Nhờ sự biết rõ Tập này một cách toàn diện mà Ngài mới tu Đạo diệt khổ toàn diện và chứng Diệt đế toàn diện, Niết bàn thực sự. Thành thử tất cả tùy thuộc vào trình độ của cái thấy chân lý về khổ có toàn diện hay không. Nếu cái thấy khổ chỉ ở trình độ lưng chừng, thì cũng chỉ có thể biết Tập một cách cạn cợt, tu Đạo lai rai, chứng Diệt phiên phiến, nghĩa là chỉ tạm gọi là diệt mà chưa thực sự là Niết bàn tối hậu Phật đã chứng. Do đó mà có niết bàn của Thanh văn, niết bàn Duyên giác, khác với niết bàn của Phật. Trên phương diện tuyệt đối chỉ có một niết bàn, nhưng khi đã nói có ba hạng niết bàn cũng có thể nói có vô lượng niết bàn trên danh từ tùy theo trình độ người chứng mà không phải niết bàn thực chất nghĩa là sự tiêu diệt hoàn toàn cái khổ.
Tại sao như vậy?
Tại vì như đã nói, chúng ta không thấy được cái khổ toàn diện mà chỉ thấy nó một cách phiến diện, “phiến diện” ở đây mang nhiều hình thức, tạm phân tích như sau:
1. Khi nghe nói ĐỜI LÀ KHỔ ta chỉ hiểu đó là những nỗi khổ rõ rệt như tai nạn bệnh tật, chết chóc nghèo đói. Lối suy nghĩ như thế cũng cạn cợt không khác gì nghe nói tới “mê sắc” thì chỉ nghĩ sắc phụ nữ. Triết gia Schopenhauer còn cay cú cho rằng chỉ có người ngu mới gọi đàn bà là phái đẹp. Ông ta ngược lại bảo nên gọi họ là phái “thiếu thẩm mỹ” (xin lỗi các bà). Từ sự diễn dịch sai lầm ấy đi đến quan niệm cho rằng nghèo mới khổ, giàu không khổ, bệnh mới khổ, lành mạnh thì không, chết mới khổ, sống không. Có biết đâu rằng nghèo khổ một cách, giàu khổ cách khác, bệnh khổ một cách, nhưng không bệnh khổ cách khác… đó là lối nhìn phiến diện thứ nhất đưa đến sự thiếu khoan hồng, lòng ganh ghét đố kỵ với những người, hoàn cảnh mình cho là sướng hơn mình.
2. Ta có thể công nhận đời khổ, nhưng lại chống chế rằng đời ở chỗ này mới khổ, chỗ kia đâu có khổ. Do đó mà muốn bồng bế nhau xuống ghe tàu dời chỗ ở, đi đến chỗ khác mà họ nghĩ là không khổ. Đó là lối nhìn phiến diện thứ hai, chỉ thấy chỗ này khổ mà không thấy KHẮP NƠI ĐỀU KHỔ.
3. Ta có thể nghĩ rằng lúc này khổ, lúc khác hết khổ, sẽ sung sướng hơn. Do đó mà ta hy vọng, đợi chờ, trông ngóng về tương lai, hy sinh hiện tại cho tương lai. Quan niệm này đưa đến hai thái độ sống đều nguy hiểm như nhau. Một là sống buông lung trụy lạc vì chán chường hiện tại, xem nó như một cái cầu, một đoạn đường phải vượt qua càng nhanh càng tốt, một chén thuốc đắng phải nuốt ực cho xong. Hai là sống ép xác khổ hạnh khó nhọc nai lưng làm lụng tích tụ tài sản vật chất tinh thần để ngày sau, kiếp sau tọa hưởng. Đó là vì không thấy toàn diện cái khổ ở vị lai.
4. Ta có thể nghĩ rằng ĐỜI KHỔ thật đó, nhưng cũng có lúc vui đấy chứ. Như ăn ớt cay, uống cà phê đắng, mà ta vẫn ưa thích mùi vị đắng cay. Ân ái là ràng buộc mà đa số vẫn khoái thích hệ lụy cho dù nhiều lúc phải khổ trầy vi tróc vẩy vì nó. Vì tham tiếc năm giọt mật ngũ dục ta đành chịu lao mình vào vực thẳm sinh tử luân hồi. Vì ta chưa thấy khổ một cách toàn diện, chưa thấy rõ năm giọt mật cũng nằm trong khổ (ta tách rời chúng ra), vì ta thấy “trong khổ cũng có vui” do đó mà ta cứ phải mãi mãi chịu khổ, không bao giờ dứt khoát được.
5. Ta có thể lý luận rằng biết cách sống thì không đến nỗi khổ. Sống cách này khổ, cách khác thì không, hoặc đỡ khổ hơn. Như một viên thuốc đắng nếu biết bọc một lớp đường ra ngoài thì nuốt cũng được, không tới nỗi khó chịu. Vì lý luận như vậy mà ta không quyết định thoát khổ với bất cứ giá nào, không thể can đảm chấm dứt với toàn diện nỗi khổ, sợ rằng sẽ phải đối diện với hư vô. Như một cái mũi đã quen ngửi mùi xú uế, chỉ biết chọn giữa cái thối nhiều với thối ít, mà không dám lìa bỏ tất cả vì không biết khi ấy sẽ như thế nào! Con người cũng vậy, rất sợ hãi một tình trạng mình không biết đến, đó là cái KHÔNG, bởi vì nó đã quen bị vây phủ bởi những cái có, dù là những cái CÓ đau khổ, khốn nạn, chẳng ra gì.
Như phẩn uế thối tha thì dù một chút xíu cũng vẫn thối, KHỔ cũng vậy, phải tiêu diệt toàn diện, tận cùng, mới được gọi là niết bàn hoàn toàn thanh tịnh. Muốn tiêu diệt khổ một cách toàn diện, thì ta phải thấy rõ mặt thật của nó ẩn nấp dưới thiên hình vạn trạng. Ta không được tự đánh lừa bằng những lý luận để trì hoãn, mà phải can đảm đơn đao trực nhập “một nhảy vào liền đất Như Lai”.
7. NHẤT ĐẾ
Chân lý chỉ có một, làm gì có tới bốn? Mà không có bốn thì “một” cũng không cần nói, cho nên danh từ thích hợp nhất để chỉ Phật pháp là Pháp “không hai”. Vậy mà thông thường, ta vẫn quen gọi “tứ diệu đế” là “bốn chân lý vi diệu” với chân lý thứ nhất là KHỔ, chân lý thứ hai là TẬP, v.v.. Có lẽ danh từ Anh ngữ “The Fourfold Truth” ít gây hiểu lầm hơn; có nghĩa là chân lý có bốn tầng lớp, bốn yếu tố, bốn giai đoạn thể nghiệm hay bốn gì gì đó cũng được tùy ý, miễn không phải là bốn chân lý. Nói rõ hơn, tứ diệu đế có nghĩa là bốn giai đoạïn để đi đến cái chân lý vi diệu cứu cánh, tức niết bàn. Đây là một phương pháp đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta đã khám phá để thể nghiệm chân lý tối hậu, Niết bàn, sự dập tắt hoàn toàn cái KHỔ. Phương pháp này có thể so sánh với phương pháp y học gồm bốn giai đoạn mà mục tiêu tối hậu là tình trạng vô bệnh, hết hẳn bệnh tật, lành mạnh hoàn toàn. Bốn giai đoạn ấy là:
· Chẩn đoán bệnh trạng qua những triệu chứng
· Tìm nguyên nhân của bệnh
· Cách chữa trị
· Sự phục hồi hoàn toàn sức khỏe, sự hết bệnh.
Trong y học, sự chẩn bệnh cho đúng là điều quan trọng bậc nhất. Định đúng bệnh trạng là đã đi quá nửa con đường chữa trị, do đó sự chẩn bệnh đứng hàng đầu. Cũng thế, muốn diệt khổ, đạt tới Niết bàn (tức DIỆT, đứng hàng thứ 3 trong Tứ diệu đế) thì cốt nhất phải biết rõ cái KHỔ, như muốn hết bệnh thì trước tiên phải biết bệnh đó là bệnh gì. KHỔ như vậy tương ứng với giai đoạn một trong y học. Tập, nguyên nhân của khổ là giai đoạn hai. Đạo, con đường đưa đến diệt khổ là giai đoạn ba. Diệt (hay Niết bàn), sự hết khổ, là giai đoạn cuối cùng, mục đích tối hậu, vì mục đích này mà có ra ba giai đoạn trước, hệt như trong y học, sở dĩ phải tìm căn bệnh (1), nguyên nhân (2), cách chữa trị (3), là vì muốn phục hồi sức khỏe cho con bệnh, đạt đến tình trạng hoàn toàn không bệnh.
Như vậy trong “bốn diệu đế” có một sự nhất quán triệt để, cả bốn giai đoạn tương quan mật thiết không thể tách rời. Sự tách rời ra làm “bốn chân lý” đưa đến những sai lầm trọng đại trong việc lý giải (hiểu) và hành trì (làm) Phật pháp. Trong kinh Thắng Man, đức Phật nói rõ chỉ một đế chân thật duy nhất là Diệt đế (thứ ba trong bốn diệu đế), ba đế kia đều là giả lập, vì Diệt đế mà có ra. So sánh với y học như trên thì thấy rất rõ.
Những ngộ nhận vì tách rời “bốn chân lý” rất tai hại không thể nói xiết, trở thành bóp méo xuyên tạc Pháp Phật. Thông thường nhất là sự lên án: “Phật pháp bi quan yếm thế vì cho đời là khổ. Thì đấy: Chân lý thứ nhất là Khổ.” Những người lên án như vậy sẽ nghĩ sao khi đọc kinh Thắng Man về Nhất đế, theo đó chỉ có “chân lý thứ 3”, tức Niết bàn (an vui tuyệt đối) là thật, là cứu cánh?
Nhưng đó chỉ là ngộ nhận của người ngoại cuộc, không đáng nói làm chi. Đến như Phật tử, có người nghe nói đến Tập là nguyên nhân của khổ, vội dừng lại ở đây và kết luận: “À, thì ra mọi cái khổ mình chịu đều do tập quán từ đời trước, do cái “nghiệp” mình đã gây ra, thì chỉ còn nước rán chịu.” Vì nghĩ như vậy mà mọi
sự đều đổ thừa cho nghiệp, không muốn làm gì để chuyển đổi. Đó là tai hại gây nên bởi sự hiểu bốn diệu đế một cách phiến diện rời rạc, trong trường hợp này người ta chỉ chú trọng đến Tập, tách rời nó ra khỏi giáo lý nhất quán của Thế Tôn, trong đó Tập được nêu lên là cốt chỉ cho ta thấy có con đường đoạn diệt Tập, nghĩa là đoạn diệt cái nhân của khổ để chấm dứt khổ.
Khi hiểu được Tập và muốn đoạn diệt nó, có người bước sang giai đoạn tu đạo (Đạo đế) nhưng lại mắc kẹt ở đây vì chấp vào Đạo đế. Khi tu hành, có người chấp vào giới luật, cho đó là cứu cánh, không còn gì hơn. Đó là trường hợp những người tu nhờ giữ gìn giới luật nên được tôn trọng cúng dường, rồi nhân đấy lấy làm tự mãn, nên không tiến lên được. Có khi người ấy vượt qua được sự tự mãn về giới, siêng tu thiền định, nhờ giới mà đắc định, do đắc định nên khởi tâm tự mãn: người này bị kẹt ở định, quên mất cứu cánh của mình là để thoát khổ chứ không phải để đắc định hay có thần thông. Lại có người vượt qua được sự tự mãn về định, nhờ không tự mãn nên tu thiền định được rốt ráo, rồi nhờ thiền định mà phát sinh trí tuệ: ở giai đoạn này họ cũng vẫn có thể bị kẹt không tiến đến giải thoát, khi khởi tâm cho rằng ta đây có trí, hơn người, ta biết, kẻ khác không biết. Do đó, người ấy cũng không đạt được Niết bàn. Trong Kinh Trạm Xe (TBK II), tôn giả Phú Lâu Na giảng cho tôn giả Xá Lợi Phất nghe bảy giai đoạn đến Niết bàn như bảy trạm xe, không có giai đoạn nào là tuyệt đối mà chỉ là phương tiện để đến cùng đích là Niết bàn:
- (1) Giới thanh tịnh là để được (2) tâm thanh tịnh hay định
– Tâm thanh tịnh là để được (3) đoạn nghi thanh tịnh (hết nghi)
– Đoạn nghi thanh tịnh là để được (4) Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh (biết phân biệt chính tà).
– Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là để được (5) Đạo tri kiến thanh tịnh (biết đường tu, tức 37 pháp trợ đạo)
– Đạo tri kiến thanh tịnh là để đạt đến giai đoạn (6) Tri kiến thanh tịnh (thấy rõ tứ đế)û . Tri kiến thanh tịnh để đạt (7)Vô thủ trước Niết bàn (giải thoát hoàn toàn)