Như vậy, có thể nói tu là phát triển toàn bộ tâm thức, trong đó có trí nhớ, chứ không phải cố quên. Cố quên hay cố nhớ, do vui hay buồn, do tư dục thúc đẩy, do sự trốn chạy thực tế thúc đẩy, mới là tâm bệnh. Bởi vậy, chính thái độ khoái thích đắm say, hay thái độ xua đuổi tránh né mới là điểm đáng phàn nàn trong lúc nhớ về dĩ vãng hay dự phóng tương lai. Một vị A la hán cũng có thể diễn tả một hoài niệm quá khứ hay một dự phóng tương lai, nhưng vị ấy không thích thú, không có thái độ bám víu hay xua đuổi của người thường đối với hoài niệm, dự phóng ấy. Chính nhờ thái độ vô dục, giải thoát đối với hoài niệm, mà Phật có thể bình thản nhớ lại vô số tiền kiếp của mình: "Tại chỗ kia, Ta đã sinh ra, dòng họ như vậy, màu da như vậy, ăn đồ ăn như vậy, thọ khổ lạc như vậy… Ta nhớ đến một đời, hai đời… Cho đến trăm ngàn đời…." (kinh Trung Bộ I) Nếu chúng ta có thể gợi lại một kinh nghiệm khổ vui của mình trong quá khứ với một thái độ vô dục như Phật nhớ các tiền kiếp của ngài, không xen lẫn vui buồn, không bám bíu, không thích thú, tức là ta đã giải thoát khỏi những ràng buộc của dĩ vãng và vị lai. Sống trong hiện tại có nghĩa là làm chủ được tâm thức mình, rõ biết những khởi tâm động niệm của mình trong giây phút hiện tại, không để bị lôi kéo về dĩ vãng hay tương lai ngoài sự kiểm soát của mình, nghĩa là một cách vô thức. Cái gì lôi kéo tâm trí ta trở về quá khứ hay khát vọng tương lai? Chính là chấp thủ, sự bám víu.
9. THÁNH ĐẠO
Thánh đạo là con đường của bậc Thánh, lối sống của con người đã sạch hết nhiễm ô. Nó còn có nghĩa là con đường mà phàm phu chúng ta phải đi theo nếu muốn từ bỏ địa vị phàm phu, trở nên một Con người như bậc Thánh. Con đường ấy gồm có tám cái (chánh) mà thuật ngữ Phật học gọi là Bát chánh đạo đối với một vị hữu học, và đối với bậc vô học A la hán thì còn thêm hai “chánh” nữa là chánh trí và chánh giải thoát.
Kinh Đại tứ thập thuộc trung bộ kinh III rọi nhiều ánh sáng mới mẻ về con đường tám chánh mà ta sẽ bàn đến trong bài này qua ba điểm dưới đây:
I. Liên hệ nhân quả trong Bát chánh đạo
Trong con đường tám chánh, có một liên hệ nhân quả mật thiết như sau:
1. Chánh kiến đưa đến hậu quả là chánh tư duy. Do thấy chánh mà suy nghĩ được chánh. Muốn suy nghĩ đúng thì cần phải thấy cho đúng.
2. Chánh tư duy đưa đến chánh ngữ. Do suy nghĩ chân chánh mà nói ra lời cũng chân chánh. Nếu nghĩ bậy thì không thể nói đúng. Lời nói như vậy là thước đo của tư tưởng. Phát ngôn bừa bãi là do suy nghĩ lộn xộn, nếu “chánh” lại được cái nghĩ, thì sẽ tránh được sự nói bậy.
3. Chánh ngữ đưa đến chánh nghiệp. Nghiệp đây là hành động, việc làm thường ngày của chúng ta. Do lời nói chánh, ta sẽ có những hành động chân chánh. Nếu nói chánh mà làm bậy, thì sự nói chánh đó không thực là chánh, chỉ như vẹt nói, máy nói, vì không phát xuất từ tư duy chân chánh. Như vậy thân nghiệp thanh tịnh là do ý nghiệp và ngữ nghiệp được thanh tịnh. Việc làm chánh đáng là do bởi đã nghĩ chánh và nói chánh.
4. Chánh nghiệp đưa đến chánh mạng. Mạng đây là nghề nghiệp nuôi sống bản thân, cách duy trì mạng sống của mình. Hành động chân chánh hay việc làm chân chánh đưa đến nghề nghiệp chân chánh, nghĩa là sự nuôi sống một cách chánh đáng. Điểm này rất ý nghĩa. Một người suốt đời chỉ biết đan giỏ thì cũng sẽ sinh sống bằng nghề đan giỏ, không thể làm việc gì khác, cũng không ai mướn anh ta làm việc khác, vì biết có giao cho anh ta làm việc gì khác, anh ta sẽ làm không xong. Như vậy, nếu ta có bị cưỡng bức làm môït điều gì thì chính vì ở trong con người của ta còn có cái khả năng làm việc đó mặc dù chưa hề thi thố. Một người đã diệt hết tiềm năng giết hại- nghĩa là một bậc A la hán- thì không thể nào cầm đến gươm đao súng ống, mà cũng không ai bắt buộc được vị ấy phải giết người, dù người đó đã giết cha mình đi nữa. Điều đơn giản là vị ấy không thể sát hại chỉ có thế mà thôi. Không có lý luận đắn đo suy nghĩ dông dài như sát hại là xấu ác, không sát hại là cao thượng, trường hợp này nên trả thù, không nên trả thù v.v.. Hành động không trả thù của vị A la hán, hay đúng hơn sự vô hành của vị ấy cũng tự nhiên như hít thở không khí, không còn bóng dáng của tư tưởng, cân nhắc như trường hợp người thường. Người thế gian thường phải cân nhắc, là vì có hai trường hợp chọn lựa, hoặc giết hoặc không giết. Vì còn khả năng giết hại, nên ở trong trường hợp này, một người thế tục phải đắn đo đến cả bạc tóc (như đắn đo có nên giết kẻ thù đã hại cha mình không), và dù họ quyết định giết hay không, họ vẫn bị mối xung đột nội tâm dằn vặt: nếu giết thì sẽ hối hận hành vi tàn bạo tiểu nhân của mình, không giết thì sẽ ăn năn đã bỏ lỡ một dịp báo thù, đã không làm tròn chữ hiếu. Một bậc A la hán đã dứt sạch nghiệp sát thì không bao giờ phải sống trong nỗi xung đột ấy, vì nơi vị này chỉ còn một con đường, không có chọn lựa. Vị ấy đã dứt sạch nghiệp sát giống như một người đã cụt hai chân không còn đi được nữa, hay như ví dụ Phật dạy về ngọn cây ta la đã bị chặt đứt thì không thể mọc lại. Bởi thế ta không thể trách cứ vị ấy bất hiếu vì đã không báo thù, cũng như không thể trách một người cụt chân sao không chạy cứu người chết đuối. Không ai có thể trách cứ vị ấy, mà chính thân tâm vị ấy cũng không còn sự cắn rứt dằn vặt giữa hai con đường, như trường hợp một người thường tình. Bởi vì vị ấy chỉ có một con đường độc nhất là không giết hại.
Đặt ngược lại vấn đề, ta có thể suy ra rằng, nếu chúng ta phải sống trong hoàn cảnh bị buộc làm nghề ác (mạng sống không chánh), là chính vì chúng ta có khả năng làm ác. Vậy muốn chánh mạng, có nghề sinh nhai chân chánh- ta phải chánh nghiệp, nghĩa là không làm những việc hại mình hại người. Nói theo Duy thức, đây là "hiện hành sinh chủng tử", hành động phát sinh tiềm năng.
5. Chánh mạng đưa đến chánh tinh tiến. Khi làm một việc gì suốt cả đời, sống bằng việc đó thì sẽ tinh vi trong công việc, như một người chơi đàn ngày nào cũng chơi thì ngón đàn hàng ngày càng điêu luyện. Đây là "chủng tử sinh hiện hành" trong duy thức: do nghề nghiệp của một người là gảy đàn mà vị ấy siêng gảy đàn và dễ tiến bộ về đàn.
6. Chánh tinh tiến đưa đến chánh niệm. Do siêng năng thường làm một công việc, mà tâm ta luôn luôn nhớ nghĩ đến công việc ấy, không nghĩ việc gì khác. Đây là "hiện hành huân tập chủng tử", nghĩa là do hành động thường xuyên đưa đến sự nhớ nghĩ thường xuyên về hành động ấy.
7. Chánh niệm đưa đến chánh cuối cùng là
8. Chánh định. Do thường nhớ nghĩ chân chánh mà sự tập trung tâm ý cũng chân chánh, dễ tập trung vào điều chánh. Như một người thường nhớ nghĩ về lòng từ mỗi lúc đi đứng nằm ngồi, thì khi thiền định, quán về tâm từ sẽ mau đắc định. Những pháp tu khác cũng vậy, cho nên muốn dễ tập trung tâm ý trong khi ngồi thiền, thì bình thường lúc đi đứng nằm ngồi ta cần phải chánh niệm. Phương pháp Phật dạy liên quan đến việc này là "thân hành niệm": muốn dễ đạt định trong lúc ngồi thiền, vị tỷ kheo suốt ngày trong bốn uy nghi đi đứng nằm ngồi cần luôn tỉnh giác. Nhờ thường sống trong sự tỉnh giác, vị tỷ kheo dễ dàng đạt định khi tọa thiền, dễ thành tựu các phép quán.
II. Ba "chánh" nòng cốt
Lại nữa, theo lời Phật dạy trong kinh Đại tứ thập, trong bát chánh đạo có ba cái chánh nòng cốt đi kèm theo, xoay quanh mỗi chánh còn lại. Nói khác đi, muốn thành tựu một chánh nào trong tám chánh, đều phải có ba cái chánh khác kèm theo, đó là: chánh kiến, chánh niệm và chánh tinh tấn.
Ví dụ, chánh tư duy là suy nghĩ chân chánh, thì trước hết phải có chánh kiến để biết rõ thế nào là suy nghĩ chánh, thế nào là suy nghĩ tà, mới có thể chọn lựa ý nghĩ chánh, loại bỏ tư tưởng tà. Nhưng biết phân biệt chánh tư duy và tà tư duy cũng chưa đủ để tạo thành chánh tư duy trong ta nếu ta không luôn luôn nhớ nghĩ như vậy. Mặc dù biết rõ nghĩ thế này là tà, thế kia là chánh, những tư tưởng tà vẫn có thể khởi lên những lúc bất giác, thường biểu hiện qua mộng mị. Có người lúc tỉnh thức không bao giờ nổi sân, nhưng chiêm bao thấy mình dang tay đánh người. Đó là thường ngày chánh niệm đôi lúc tuột khỏi tâm vị ấy, khiến tà niệm -và tà nghiệp kèm theo- tìm cách bộc phát trong khi vị ấy không kiểm soát
được tâm mình. Vậy muốn chánh tư duy được thành tựu, cần phải có thêm một yếu tố ngoài chánh kiến, là chánh niệm nghĩa là luôn luôn nhớ nghĩ đến thế nào là chánh tư duy, thế nào là tà tư duy. Rồi cần một cái chánh thứ ba nữa để hỗ trợ cho việc thành tựu chánh tư duy, đó là chánh tinh tiến. Khi đã biết rõ và nhớ nghĩ đến chánh tư duy, vị ấy còn phải siêng năng loại trừ những tư tưởng xấu và phát triển những tư tưởng tốt.
Các ngành khác trong bát chánh đạo cũng vậy. Như muốn chánh ngữ thì phải có chánh kiến để phân biệt chánh ngữ và tà ngữ, phải có chánh niệm để luôn luôn nhớ thế nào là chánh ngữ, thế nào là tà ngữ, và có chánh tinh tiến để siêng năng loại trừ tà ngữ, thực hành chánh ngữ. Chánh nghiệp bao gồm chánh kiến để phân biệt tà nghiệp và chánh nghiệp, chánh niệm để nhớ nghĩ thường xuyên đến chánh nghiệp, và chánh tinh tiến để siêng năng từ bỏ tà nghiệp thực hành chánh nghiệp v.v..
III. Chánh thế gian và chánh xuất thế
Trong kinh Đại tứ thập, đức Phật còn phân biệt hai loại chánh trong bất cứ ngành nào của Bát chánh đạo, đó là chánh thế gian và chánh xuất thế gian. Chánh thế gian là cái chánh thuộc quả báo hữu lậu, đem lại quả phước, còn chánh xuất thế gian thuộc vô lậu, thuộc trí tuệ, là sở hành của bậc thánh. Ví dụ chánh kiến có hai thứ: chánh kiến thế gian và chánh kiến xuất thế gian. Chánh kiến thế gian là thấy rõ nhân quả: sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ… cộng chung mười bất thiện nghiệp là ác pháp, đưa đến cõi dữ, địa ngục. Do chánh kiến ấy mà từ bỏ mười bất thiện nghiệp để hưởng thụ phước báo cõi trời người. Còn chánh kiến xuất thế gian là cái thấy thuộc đạo đế, vượt trên lý nhân quả. Nói rõ hơn, chánh kiến xuất thế là cái thấy của trí Bát nhã soi rõ cái một, rằng 10 bất thiện nghiệp là chuyện không thể làm, không phải vì sợ làm như vậy sẽ bị chê, bị tù, bị đọa địa ngục v.v.. như ví dụ người cụt hai chân đã nói trên. Chánh kiến xuất thế gian thuộc đạo đế cũng vậy, như ngọn đèn pha rực sáng ban đêm chiếu rõ từng kẽ tóc chân tơ mọi sự vật, nên không còn lý luận dài dòng theo hệ thống nhân quả.
Chánh tư duy thuộc thế gian là tư duy vô sân vô hại đưa đến phước báo cõi trời người, chánh tư duy thuộc xuất thế gian là tư duy đã thuần thục trong sự viễn ly dục tâm, sân tâm, hại tâm.
Tất cả sáu chánh kia cũng đều như vậy, được phân biệt ra chánh thế gian và chánh xuất thế gian như trên. Chánh thế gian tóm lại là cái chánh tương đối, thuộc phước báo, còn cái chánh xuất thế gian là chánh tuyệt đối, thuộc trí tuệ, nghĩ là cái chánh siêu việt đối đãi, không còn phải chọn lựa, không còn nỗ lực cố gắng, thuộc vô lậu thiện, thuộc thánh tâm. Cái chánh này không gây ra xung đột mâu thuẫn nội tâm như trường hợp chánh thế gian. Như trên đã nói, một bậc Thánh sở dĩ không sát hại, nói dối, tà hạnh, không phải là vì sợ rằng những nghiệp này đưa đến quả báo xấu, mà chỉ vì vị ấy không thể nào làm những việc như vậy, trên thực tế cũng như trong tiềm năng. Có thể nói, chánh thế gian và chánh xuất thế là hai cái chánh khác nhau về cường độ chứ không phải về bộ loại. Không thể có chuyện bỏ chánh thế gian mà chỉ theo chánh xuất thế, vì chánh xuất thế bao gồm cả chánh thế gian. Nhưng ngược lại thì không đúng, nghĩa là chánh thế gian không bao gồm được chánh xuất thế. Không thể không từ bỏ sát đạo dâm mà có thể đạt đến những cái chánh xuất thế, nhưng từ bỏ sát đạo dâm chưa chắc đã đưa đến xuất thế, nghĩa là vẫn còn trong sinh tử, chỉ được sinh vào những cõi tốt hơn mà thôi.
...