Lời tựa
Tập “Thiên Biến Vạn Hóa” là một mẫu truyện ngoài việc giải trí còn để khai trí rất bổ ích.
Tác giả diễn tả ba món tham, sân si, hết sức linh động và kết quả tai hại của nó như thế nào, nếu muốn diệt trừ tận gốc phải tìm phương trị liệu ra sao?
Phương thức trị liệu ấy, quý vị sẽ nghe Vân-sô đồng tử trình bày trong cốt
Những nhân vật trong truyện, tượng trưng cho tám thức tâm vương, và 51 món tâm sở; Nguyệt-ý Công-nương đi tìm Lục trần quốc cựu chính là chỉ cho thức dong rủy theo sáu trần giả-ảnh. Cuối cùng khi đạo sĩ dùng gươm trí tuệ phá được bức thành si chấp, rồi hiện ra bức gương tròn sáng, Nguyệt-ý liền tỉnh giấc mơ loạn, trực nhận được vạn pháp như huyễn, sáu trần chỉ là bóng trong gương, trăng dưới nước, đúng như buổi giảng duy-thức mà khi tỉnh dậy, nàng nghe Pháp sư đương giảng tại giảng đường vậy.
Lối thuyết pháp bằng văn chương dễ hấp dẫn người nghe như kinh Bách-Dụ chẳng hạn không ngoài mục đích ấy.
Đối với toàn thể đọc giả Phật-tử Việt-Nam tôi thiết tưởng không ai còn lạ về lối văn trào- phúng, duyên-dáng vui-tươi của một tác giả quá quen thuộc, ở đây tôi không đợi phải nói nhiều, chỉ xin viết mấy lời gọi là tùy-hỷ công-đức nếu quý vị đọc giả lưu ý đến con em của mình trên bước đường xây dựng đức dục tương lai, thì loại sách này có nhiều sự bổ ích cho tinh thần non trẻ, lại rất hấp dẫn cho tuổi thanh, thiếu niên.
Một món quà tinh thần không thể thiếu trong tủ sách gia đình của người con Phật.
Nay kính đề:
THÍCH-NỮ DIỆU-KHÔNG
Hiệu GIÁC-HUỆ (^)
Đây, những con người tham dục
Tình tang tính
Tình tang tình
Trời nước xinh xinh
Tuổi ta còn xanh
Đời ta mong manh
Tình ta tàn tanh…
Tình tang tình
Tình tang tang…
Thiếu-Sanh hơi ớn lạnh và gió biển thổi lồng lộng. Chàng chớp mắt nhìn xa nơi phát xuất tiếng hát du dương tuyệt diệu, rồi chàng nghĩ thầm: Nơi đây bốn bề biển cả mênh mông, không có một mái nhà, một bóng người, ta rủi đến đây thì trời vừa tối, đành ở tạm sáng mai mới có phương tìm ra lối đi, nay lại nghe tiếng hát lạ thật.
Bỗng một đoàn thiếu nữ xa xa lần lần ẩn hiện làm cắt đứt tư tưởng chàng.
Tình tang tính
tình tang tình…
Thiếu Sanh thấy một đoàn thiếu nữ chừng 5, 6 người vừa múa vừa ca mỗi một câu ngắn, âm thanh tuyệt diệu phi thường và có pha một ít mơ hồ huyền ảo. Trăng sáng của đêm giúp chàng, tuy xa cũng thấy được xiêm y của đoàn thiếu nữ rất sang trọng, khác với phục sức ở thế gian. Đoàn thiếu nữ đang quây quần với nhau cùng trăng nước.
Chàng chắc người đẹp ham vui nên không ngờ có mình ở đấy, song tự nhiên chàng cảm thấy ớn lạnh cả người, lần này không phải vì gió biển, mà tâm linh như báo trước với chàng, khung cảnh ở đây có vẻ thật thật hư hư. Thiếu-Sanh nghĩ: Chốn nầy và giờ nầy không phải chốn vui chơi của người Khuê-các. Bỗng chàng nhớ lại những câu chuyện thần thoại mà người ta hay kể rằng: Những nơi tú khí anh linh thường có quần tiên tụ họp, để du hí trong những đêm trăng thanh gió mát; hay hoặc những oan hồn uổng tử vì tình duyên dang dở, rồi thất vọng rồi quyên sinh, những oan hồn ấy cũng thường tìm những nơi thanh vắng hiện về, để khóc than kể lể, hoặc phá phách kẻ nam nhi để rửa hận lòng, ý nghĩa ấy làm chàng rùng mình.
Đoàn Thiếu-nữ vừa múa vừa hát và tiến lại gần chàng. Thiếu-Sanh bắt đầu sợ thật, nhưng biết làm sao được, vì nơi đây, trước mặt biển rộng thênh thang, chung quanh chỉ trời với nước, thật là cô đơn trong khủng khiếp.
Đoàn Thiếu-nữ khi biết và thấy có người lạ, họ đã không lẫn tránh mà còn tiến lại gần chàng, hình như mừng rở là khác. Họ xúm lại ngồi bao vây người trai lạ, rồi cô đàn, cô hát, có sanh, có phách hẳn hoi, nhịp điệu dịu dàng uyển chuyển. Họ chưa nói gì ngoài việc đàn hát. Bỗng có một cô có vẻ kẻ cả trong đám đứng lên múa theo điệu “tình tang”. Xiêm y óng ánh dưới trăng. Gió lọng ở biển làm tung cả xiêm y của nàng như quyện vào người trai lạ.
Thiếu-Sanh rùng mình. Một cảm giác ngây ngất trong lòng phát hiện như say. Khi thấy cả năm cô đều đứng dậy và sắp a vào chàng thật sự:
– Ồ hỡi người đẹp trai, chàng ở đâu lạc lối đến đây? Và chàng có biết đây là chốn nào không, hỡi người trai đẹp?
Thiếu-Sanh định thần và lấy hết sức bình tĩnh đáp:
– Tiện-Sanh là một hàn sĩ đi dự khoa thi ở tại Trường-An. Vì nhà nghèo nên không ai theo hầu lều chõng như ai[1">.Quê quán rất xa, đường xá lạ lùng, đến đây thì trời tối nên định tá túc trên bãi biển một đêm sáng mai lại lên đường. Tiện-Sanh thật không biết đây là đâu cả.
Đoàn thiếu-nữ cười rộ, át cả tiếng sóng đêm: Hỡi trai đẹp! Chàng tự xưng là nho sĩ đi dự hội đăng khoa chắc đã học thông kim cổ, thiếp trộm nghe trong kinh Phật có câu:
“Ái hà thiên xích lãng”, dám hỏi chàng có phải không ạ? và câu ấy có ý nghĩa ra sao, xin chàng cho biết?
Thiếu-Sanh nghe hỏi, chàng nghĩ thầm các cô có ý trêu mình. Thật, con gái đâu mà kỳ quặc thế? Song chí làm trai gặp trường hợp oái ăm như vậy, nếu mình tỏ ra nhút-nhát, chắc các cô sẽ làm già thì nguy to. Chàng liền mạnh dạn đáp:
– Quả có câu trong kinh và tiếp theo còn ba câu nữa. Tiện-Sanh xin đọc tiếp:
Ái hà thiên xích lãng,
Khổ hải vạn trùng ba,
Dục thoát luân hồi khổ,
Cấp cấp niệm Di-Đà.
Tạm dịch:
Sóng tình cuồn cuộn muông trùng,
Nhận chìm bao kẻ anh hùng tài-ba,
Chúng sanh muốn thoát Ta-Bà,
Mau mau niệm gấp Di-Đà Như-Lai
Đoàn thiếu-nữ lại rộ lên:
- Hỡi chàng trai đẹp, ba câu sau nghe nó buồn lê-thê, xin chàng hãy cắt đứt nó đi, chúng ta đương độ thanh xuân, rất nhiều hứa hẹn hỡi trai đẹp! Thiếp xin chàng biết, nơi đây là biển “Ái-ân”, vô số thanh niên đã tắm mình trong lòng biển Ái, rồi sưởi nắng yêu đương, và chàng ơi! Người con trai nào trong lúc hy-vọng đại đăng khoa, mà lại không dự bị trong lòng một người vợ đẹp hở chàng? Sau câu nói của một cô cả đoàn lại cười vang.
Thiếu-nữ tiếp:
- Hỡi người trai đẹp, chàng thấy chăng, nơi đây:
Trời thanh thanh,
Biển xanh xanh,
Cảnh xinh xinh,
Ví chăng duyên nợ ba sanh…
Rồi cất tiếng hát:
Ta muốn làm một bông hoa,
Một bông hoa không bao giờ tàn,
Ta muốn có một mối tình,
Một mối tình không bao giờ tàn[2">
Nào các em hãy ca lên để mừng ta cùng chàng.
Vừa hát các cô như a vào gần chàng và toan ôm chồm lấy người trai đẹp.
Mặt Thiếu-Sanh nóng bừng chàng định kháng cự song biết mình dù sao cũng là nam tử, đối với phái nữ phải giữ phép lịch sự nên chàng bỏ nhỏ:
– Tiện-Sanh thật không được như Liễu-Hạ-Huệ[3">, thấy nữ nhân mà không sanh tâm cảm mến. Nhưng nghiệt vì công danh còn lận đận, chí làm trai đương đặt nặng về đại sự nên chưa nghĩ đến niềm riêng tư, như công nương đã bảo: đại đăng khoa rồi mới nghĩ đến tiểu đăng khoa; vậy xin hẹn khi thang mây đặt bước được rồi, sẽ tái ngộ nơi biển Ái-ân nầy không dám sai.
Chàng nói chưa dứt lời mà các cô đã xích lại gần chàng thêm. Họ không và hình như cũng không cần nghe. Mặt chàng đỏ gay gấp bội. Không nhịn được, chàng đưa tay toan chống cự kịch liệt. Nhưng Thiếu-Sanh bỗng cả xương sống, toàn thân nổi ốc và toát mồ hôi, vì khi các thiếu nữ xông đến ôm chàng. Những lúc đụng đến người họ, chàng cảm thấy họ không phải con người bằng da bằng thịt, mà khi đụng đến thì bỗng nổi lên từng đám khói đen, vần vụ quyện vào hư không rồi tan dần… Trong tiếng sóng của biển cả. Đâu đây còn văng vẳng…
Tình tang tính-Tình tang tình
Là tình tang ta…an…ang………………………….
Thiếu-Sanh sợ quá ngất đi lúc nào không hay, mãi đến khi nghe tiếng hải điểu đi ăn đêm về kêu vang báo hiệu tàn canh, chàng mới hồi tỉnh, toàn thân đau như dần và đổ mồ hôi như tắm. Chàng bàng hoàng như vừa tỉnh một giấc mơ kinh khủng, nhìn lại nơi mình nằm thì lạ lùng thay, năm tảng đá, mỗi viên bằng một người nằm ; nổi lên từ bao giờ mà lúc đầu hôm chàng không thấy có. Thiếu-Sanh nghĩ thầm : quả ta đoán không sai, những bóng ma quái hồi khuya chính là những oan hồn của các thiếu nữ đã thác vì tình, hoặc trắc trở hay dở dang ; oan hồn uổng tử không chỗ thoát sanh còn vất vưởng trên dương thế, chờ dịp hiện về những nơi thanh vắng để ghẹo người trai trẻ mà báo oán, hoặc thỏa lòng khác khao, nhưng khi gần ta biết ta là đồng chủng[4"> thì thất vọng , hồn oan lại tan nát một lần nữa để rồi hóa ra những tảng đá, nói lên một mối tình si.
Mặt trời lên cao, Thiếu-Sanh lảo-đảo đứng dậy đến bên rừng dương nơi chàng cột ngựa. Bụng đói, lòng hoang-mang khi soạn đến lương khô chàng không làm sao nuốt xuống, Thiếu-Sanh lả vì đói, nhất là cái cảnh ghê rợn hồi khuya còn ám ảnh trước mắt. Vì vậy, dù đói, mệt, chàng cũng phải tính vội chuyện lên đường. Khi cho ngựa ăn, chàng cảm thấy thương ngựa vô cùng vì trên đường thiên lý, tự ngày ra đi và rồi đây có chàng với ngựa. Cái tâm sự tuy chàng không thổ lộ ra với ngựa, nhưng những cái triều mến, những cái vuốt ve mơn trớn, ngựa ta hình như cũng thông cảm với người, nên vừa ăn vừa ve vẩy cái đuôi, mắt ngựa nhìn chủ đắm đuối như phân chia chút ít lo âu. Ngựa ăn xong, chàng vội lên đường, phần để tìm nước cho ngựa uống và nhất là tránh gấp cái biển Ái-ân nguy hiểm này.
Ngựa ra khỏi dãy trường xa, may gặp một cái lạch nhỏ, chàng mừng rở, xuống cho ngựa uống nước và chàng cũng phải nhai qua loa mấy lát cơm khô với chút muối vừng. Xuống lạch rửa mặt xong, người ngựa đều lai tỉnh. Chàng dở bảng đồ ra xem chừng lối đi, chỉ con đúng mười dặm nữa thì đến ngã ba rẽ qua tay phải , chàng phóng ngựa nhanh để kịp đến thôn “Áp-Nhĩ” trước khi mặt trời lặn. (^)
Hiện thân của sân giận
Lúc rẽ qua đường về thôn “Áp-Nhĩ” được một quãng thì bỗng nhiên thấy trước mặt nổi lửa, lửa phựt lên cao, rồi lan lần rộng lần có đến một dặm. Con ngựa ô hý vang, tiếng nghe rất kinh khủng, không thể tiến được, chàng toan quay lại thì hỡi ơi! Trước sau và chung quanh toàn lửa bao bọc, ở giữa chỉ có chàng và chú ngựa ô. Ngựa lồng lộn và hý lên một giọng tuyệt vọng nghe rơn cả người. Chàng đang tìm một lối thoát trước khi vòng lửa chưa táp đến, bỗng một đoàn người xuất hiện, đoàn người từ trong lửa dữ xông ra, tay gươm, tay giáo cũng bằng lửa cả, mặt mày thì vô cùng ghê sợ, tóc dựng lên, mắt trợn trừng, họ nhìn chàng sòng sọc như muốn sấn lại bắt sống chàng, mặt chúng đỏ gay còn hơn người say rượu. Quái lạ nhất là chúng xuất hiện từ trong lửa dữ.
Bỗng một người trong đoàn hét lên:
– Bớ thằng thanh niên mặt trắng, sao dám ngang nhiên lọt vào cấm địa của ta? Ngươi há lại không thấy hai chữ “cấm địa” lớn tướng ở đầu biên giới đó ư? Hứ, xem ra mặt mày sáng sủa mà tâm địa thì tối om-om, ý muốn vào cấm địa để gây sự với ta hẳn? Hay ngươi muốn đem sắc đẹp làm chóa mắt ta ư? Ta không cần sắc đẹp, ta không cần tiếng hay. Vàng bạc châu báu đối với ta đều thành vô dụng, sắc đẹp, tiếng hay đối với ta đều vô dụng, vô dụng tuốt. Cút mau.
Người lửa hét lên tiếng khét như lửa, mà lửa thật, từ trong miệng, đôi mắt. Ôi, dễ sợ
làm sao, hai mắt cũng tóe ra lửa, hai tay, lỗ mũi và toàn thân phun lửa đỏ rực. Thật là một cảnh vô cùng khủng khiếp rùng rợn quá sức tưởng tượng của người đời. Mỗi người lửa đều cầm giáo, cần gươm, cũng điều bằng lửa cả. Khói lên ngập trời, nóng như thiêu đốt. Ba bên bốn bề tên lửa chưa ghê sợ bằng chính những con người lửa ấy sắp xông đến chàng, không đợi phải dùng khí giới gì cả, chỉ người họ đến gần cũng đủ đốt chàng và ngựa ra tro trong chốc lát.
...