Ông biết tính tôi ngang bướng nên khó mà thuyết phục nổi tôi sống theo ý ông thế nên khi tôi nói về quan điểm chuyện tình cảm của mình, ông bảo tôi : – Ba biết sẽ chẳng thể lay chuyển được con nhưng chắc con hiểu nếu con chọn cuộc sống đó con sẽ không còn chỗ trong nhà này. Chỉ đơn giản vậy thôi và tôi cũng thẳng thắn với ba : – Thưa ba, con rất hiểu và con đã chuẩn bị đầy đủ để đi khỏi nhà. – Ba rất tiếc, ba mẹ đã từng hy vọng rất nhiều ở con. – Con sẽ không làm ba mẹ thất vọng. Ba tôi cười buồn : – Đã rồi còn gì nhưng con đã chọn, con ráng mà sống cho tốt. – Ba yên tâm, con là con ba, những phẩm chất tốt đẹp của ba cũng đang cháy trong con, không gì làm con sa ngã đâu. Ba bắt tay tôi như bắt tay một người bạn : – Hãy chứng minh cho ba mẹ và mọi người thấy rằng con đúng và chúng ta lầm, đó là cách duy nhất để con cải thiện hình ảnh trong mắt ba. Tôi im lặng như một sự đồng ý. Ba con tôi chỉ nói với nhau vỏn vẹn có mấy câu nói đó nhưng trong thâm tâm, cả tôi và ba đều hiểu không thể ép nhau sống theo cái cách của mỗi người đã chọn.
Bác Dũng thì từ đầu chí cuối khi biết sự thật chẳng nói lời nào, không hiểu sao ông lại có cảm giác muốn ủng hộ chuyện của tôi và Thuỳ. Ông không muốn tôi rời khỏi nhà nhưng nhà này có phải của bác đâu mà có thể can thiệp. Tôi lạch cạch kéo cái vali qua phòng bác, bác mở to cửa, vẫy tôi vào, ông ngồi nhìn tôi âu yếm và hỏi : – Con có sợ không? Tôi cười nhìn bác : – Cháu bác mà, có biết sợ gì đâu, bác ở lại nhớ giữ sức khoẻ nhé. – Con nói cứ như đi hẳn ấy, rảnh thì về thăm bác và ba mẹ mày chứ. – Ồ! Cái đó thì tất nhiên rồi ạ! – Đừng có buồn nhé, con người có số phận cả đấy, cái gì thuộc về con thì trước sau cũng là của con thôi.
Tôi không biết bác ám chỉ điều gì nhưng trong lúc này đấy đúng là câu nói khích lệ đầy ý nghĩa mà tôi thực sự cần. Tôi định đứng dậy đi nhưng bác níu tay tôi lại rồi bác lục đục mở cái cánh cửa hộc bàn làm việc, bác lôi từ đó ra một cái bọc nho nhỏ gói bằng một tờ phê đúp giấy năm hào hai từ đời Napoleon rồi, màu nó đã ố vàng, nó được quấn bởi mấy vòng dây chun. Ông cẩn thận mở nó ra, bên trong là một xấp tiền, ông ngẫm nghĩ rồi dúi tất cả vào tay tôi : – Cầm lấy đi con, bác chẳng có nhiều, bấy nhiêu đây mong rằng sẽ hữu ích với con.
Tôi lặng người, lúng túng vì cảm động, tôi không nói nên lời, đúng là tôi đang cần tiền thật, ba tôi không cho tôi một xu nào vì muốn tôi tự lập, tự thân vận động để khẳng định mình nhưng tôi sẽ chẳng có mặt mũi nào để cầm lấy số tiền kia. Số tiền là mồ hôi công sức của bác bao nhiêu năm, số tiền mà bác dành dụm phòng khi đau yếu, trở trời. Tôi nhìn đôi bàn tay mình và chợt nhớ đến những câu nhục mạ của ba Thuỳ, chẳng nhẽ tôi lại không tự nuôi nổi bản thân. Tôi tần ngần. Không! Tôi không thể nhận! Tôi còn trẻ khoẻ, không thể nhận sự trợ giúp từ một ông già cô đơn và thương tật như thế kia. Tôi ôm chầm lấy bác, hai bác cháu nước mắt lưng tròng, tôi nói trong nghẹn ngào : – Con không lấy đâu, bác giữ lấy còn lo cho tuổi già. Bác Dũng vẫn cứ cố ấn gói tiền vào tay tôi nhưng tôi một mực từ chối. Cứ đưa đi đẩy lại mãi cũng kỳ cục, bác biết sẽ chẳng làm tôi đổi ý được nên nói : – Thôi được rồi, con không lấy nhưng bác sẽ giữ nó để nếu cần con có thể dùng nó, nếu con khó khăn dứt khoát phải nói với bác nghe chưa. Tôi vâng dạ. Hai bác cháu tôi cứ nấn ná, không muốn dời, chúng tôi bịn rịn như phải chia tay nhau suốt đời. Sau cùng bác xoa đầu tôi : – Thôi, con đi đi, cố gắng lên nhé thiên thần của bác! Tôi giơ ngón cái và kèm theo một nụ cười : – Chúc bác ở lại mạnh khoẻ và lại tiếp tục rèn luyện thân thể để bảo vệ Tổ quốc! Bác cười trong làn nước mắt, đôi mắt đã mờ đi vì thương tôi.
Tôi nhìn lại căn nhà yêu thương, nhìn lại căn phòng ấm áp nhưng bề bộn của mình, hành trang tôi mang theo là máy tính và cái máy ảnh, những đồ vật quan trọng trong công việc của tôi, chỉ có thế thôi. Tôi chợt thấy tấm hình tôi và gia đình trên mặt bàn, tôi bước vào, khẽ nâng tấm hình lên, lấy cườm tay áo lau cái khung kính bị mờ vì bụi rồi tôi cẩn thận cất nó và đống hành lý của mình như mang theo tình cảm của những người thân yêu. Chỉ còn một người nữa tôi chưa tạm biệt, ấy là mẹ tôi, người mà tôi thương yêu vô cùng, tôi biết giờ này mẹ đang sụt sùi khóc dưới nhà bếp, đấy là cái góc của mẹ mỗi khi mẹ buồn. Tôi lặng lẽ đi xuống, hít một hơi thật sâu để lấy can đảm hầu chuyện mẹ. Từ bậc cửa tôi đã thấy mẹ, mắt mẹ loang loáng nước, thoáng thấy tôi bà nâng vạt áo lên chấm chấm vào đôi mắt ướt nhèm của mình. Tôi không thể cầm lòng được nữa, tôi bước tới, quỳ xuống dưới chân mẹ, tôi gục đầu vào lòng bà và tôi khóc, nước mắt tôi ướt hết hai chân mẹ còn tóc tôi thì ướt nước mắt mẹ.
Tôi cứ quỳ như thế, cứ khóc như thế trong lòng mẹ, tôi khóc vì những nỗi đau vì những câu chuyện muộn phiền, giang dở. Mẹ khóc vì những trăn trở của kiếp người. Tay mẹ đan trong mái tóc xơ xác của tôi, những ngón tay gân guốc, gày guộc, tôi cảm nhận rõ mảng da ngón giữa đã chai lên vì vất vả, bình thường tôi la oai oái nếu ngón tay ấy của mẹ chạm vào má mình vì tôi đau nhưng hôm nay tôi thấy nó thân thương lạ, tôi cứ cọ má mình vào vết chai ấy, nó ram ráp và chan chứa cả một nỗi niềm thương yêu không thể diễn tả hết. Những ngón tay này đã vì tôi vì gia đình gần ba mươi năm qua, những ngón tay nhỏ nhắn mà chứa đựng sức lực phi thường. Mẹ nhẹ nhàng bảo tôi : – Để Mẹ lên lấy tiền đưa cho con. Tôi cầm tay mẹ giữ lại : – Con không lấy đâu, mẹ giữ lấy. Mẹ tôi xót xa : – Không có tiền thì lấy gì mà sống hả con, lương mày ba cọc ba đồng nay cứ phải ăn uống dè xẻn thì lấy sức đâu mà làm việc. – Mẹ đừng lo cho con, đói thì đầu gối phải bò thôi. – Con nói thế không được, có thực mới vực được đạo, tiền thuê nhà một tháng đã hết hơn nửa tháng lương rồi, còn cả trăm thứ tiền ấy chứ, mày ở với mẹ thì gọi là thêm đũa thêm bát chứ ra ở riêng cái gì cũng là tiền. – Thế con không tự lập thì cứ tháng nào cũng về nhà xin mẹ tiền à, rồi mang tiếng là con gái cái bòn chứ ích gì. Mẹ thở dài : – Sao mà phức tạp thế, sao mày không như bình thường cho mẹ nhờ. – Mẹ! Mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy mà, không ai dỗi hơi cứ mãi để ý mình đâu, con ngần này tuổi đầu phải biết lo cho mình chứ, mẹ xem phim Tây ấy, nó tự lập từ năm 18 tuổi rồi. – Tây Tàu đâu mẹ chả biết chỉ biết xã hôi bây giờ nhan nhản cạm bẫy, sơ xẩy một cái ai đỡ cho được. Mày cứ sống trong sự bao bọc của ba mẹ quen rồi, giờ ở một mình mẹ thật không yên tâm chút nào. Tôi cười và xoa những đầu ngón tay mẹ : – Tuần nào con cũng sẽ về thăm mẹ một lần mà nếu mẹ muốn cứ tối tối con đi bộ về đón mẹ đi tập thể dục, thế được chưa ạ? Mẹ ấm ức : – Ừ, mà mẹ thấy ba con cũng tệ, con là con đẻ chứ có phải con riêng đâu, ai nỡ đối xử thế. Tôi thanh minh cho ba : – Không sao mẹ à, đàn ông họ có cái lý của họ, ba cũng vì muốn con trưởng thành thôi. Mẹ dõi đôi mắt ra phía cửa và thở dài : – Kiếp người cũng lắm gian truân, mỗi người mỗi số phận, mẹ chẳng muốn trách gì con nữa, mẹ dứt ruột đẻ mày ra, mày đau mẹ cũng đau, thấy mày cứ lầm lũi như cái bóng thế mẹ lo lắm, mẹ chẳng hiểu cái thứ tình cảm của chúng mày là thế nào nhưng mày cứ quyết thế, mẹ không cản nữa. Mà con này, chuyện con cái Thuỳ…con cũng đừng có nghĩ ngợi nữa sinh bệnh nghe chưa con, số phận nó thế, con bé đẹp người, đẹp nết thế âu cũng là công bằng với nó.
Tôi nghe mẹ nhắc tên Thuỳ mặt mày lại ủ rũ, mẹ nói đến công bằng ư, theo tôi đấy là thứ công bằng giả tạo, cái công bằng mà người đời cố tình dựng nên nó khi không muốn chấp nhận những sự thật đã hiển nhiên. Tôi muốn quên Thuỳ, quên để Thuỳ hưởng trọn vẹn cái điều mà mọi người cho là hạnh phúc bên Bảo. Tôi thấy đã đến lúc phải đi nên đứng dậy nhấc cái vali : – Con phải đi đây, mẹ rảnh thì thi thoảng đến thăm con nhé! – Con không phải dặn, sáng mai mẹ đến ngay, nóng lòng nóng ruột lắm xem mày ăn ở sinh hoạt ra sao. Tôi ôm mẹ và hôn chùn chụt vào má mẹ để che dấu đi nỗi buồn trong lòng mình.
Thấm thoắt thoi đưa, Thuỳ đã lập gia đình được gần 5 tháng và tôi thì đã ra ở riêng được 6 tháng trời. 6 tháng vất vả và vô cùng khó khăn trong cuộc đời tôi, từ một đứa con được chiều chuộng, vô lo vô nghĩ giờ tôi phải lo toan đủ điều, tưởng như tôi đã gục ngã trước những mũi tấn công từ mọi phía, tưởng như đôi chân tôi đã quỵ ngã trước sức ép bủa vây. Tôi loay hoay, đánh vật trước những cái cỏn con mà từ trước tôi chỉ quen dựa dẫm vào mẹ. Với các đồng nghiệp dù cứ nói hùng dũng đến mấy nhưng khi đối diện với mọi người không thể nói tôi không mặc cảm. Thời gian đầu thật là vất vả, bạn bè chỉ có mỗi Nhi, chẳng ai hiểu tôi, tôi phải gồng mình lên hứng chịu sự đàm tiếu hoặc những cái nhìn nửa thương hại nửa ghê sợ từ đồng nghiệp, một số người hạn chế tiếp xúc với tôi, có người thậm chí còn hơi thái quá, đã có nhiều buổi sáng tôi không muốn đến cơ quan vì những ánh mắt ghẻ lạnh ấy.
6 tháng không có Thuỳ con tim tôi dường như đã chết, tình yêu với tôi giờ như một thứ xa vời và không hiện thực. Tôi đóng cửa lòng mình, sống khép mình và dè dặt với tất cả mọi người. Tôi như con chim sợ cành cong, sau sự việc của Cảnh và Uy làm, tôi luôn luôn cảnh giác vì sợ có người rình rập mình nhưng cũng may, đê tiện như Cảnh và Uy có lẽ trên đời cũng không nhiều.
Thế giới tinh thần của tôi chỉ là hình bóng Thùy với nụ cười ngọt ngào trong căn phòng ngổn ngang, bé tí xíu, chỉ là những tấm hình tôi nổi hứng chụp, là những buổi chiều tà tôi thả mình trên những con đường cây lá xác xơ, là những tối co ro trên chiếc giường một ôm vi tính và câu trộm Wifi nhà hàng xóm.
Trời vào đông rồi, ngày ngắn hơn đêm, đông sang càng làm lòng tôi giá lạnh. Tôi co ro thu mình trong cái áo phao, cổ bẻ cao nhưng không hề né tránh những con gió Bấc cù vào mặt mình. Tôi lột cái mũ len ấm áp để mặc mái tóc bẹp dí cho thần Gió nô đùa. Nhìn những đôi yêu nhau phơi phới mà tôi không khỏi chạnh lòng. Có những chiều tôi cứ ngồi chết lặng trên cái ghế đá nhẵn thín mà nghĩ về Thuỳ. Tôi nhớ Thuỳ, tôi rất nhớ Thuỳ, càng bảo lòng quên thì tim tôi càng nhớ. Không biết bao nhiêu chiều tôi lang thang, ngơ ngẩn lạc lõng giữa cái Thành phố xa hoa ồn ào và náo nhiệt thế này. Hầu như mỗi sự vật, mỗi hiện tượng đều có bóng dáng Thuỳ trong đó. Đã có nhiều khi tôi đã nghĩ đến việc mở lòng mình với một người khác nhưng tôi không làm được, bóng dáng Thuỳ luôn ngự trị trong trái tim tôi ngay cả khi tôi ngồi bên cạnh người nào đó.
Tôi không đốt những kỷ niệm giữa hai chúng tôi như người ta vẫn thường làm mà tôi giữ nó lại trong một cái hộp màu hồng. Tôi yêu quý nó như yêu chính mình, không hiểu sao tôi cứ nuôi ảo tưởng rằng Thùy sẽ lại về với tôi, có lẽ việc ấy cũng là nguyên nhân giúp tôi tồn tại, cứ qua mỗi một ngày tôi lại thầm nhủ “Chắc chắn tôi sẽ có Thuỳ nếu tôi biết phấn đấu và không ngừng hy vọng”.
Với công việc, giờ thì Uy có thể tha hồ phô diễn các trò tiểu nhân ra mặt, con mắt hắn nhìn tôi chẳng lúc nào không chứa đựng sự thù ghét và khinh thường, hắn trả thù vặt tôi thường xuyên. Những cái thù cá nhân và vặt vãnh càng làm Uy quá tiểu nhân trong mắt tôi, người xưa chỉ xếp trong xã hội có hai loại người đó là người quân tử và kẻ tiểu nhân, người quân tử là gió, kẻ tiểu nhân là cỏ, gió lúc nào cũng lướt trên cỏ và tôi tự ví mình cũng đang lướt trên cái thứ cỏ rác như Uy.
...