Thoạt nhìn mẹ vợ chàng chỉ kịp chào vội rồi kiếu từ liền, chàng kéo gấp tay bạn ra khỏi nhà vợ. Và ngôi chùa Đốn-Ngộ cũng được dựng lên trong thời gian đó không xa. Ban đầu chỉ có một thảo am nho nhỏ để làm chỗ dừng chân của người trai trẻ ấy. Người con gái vị hôn thê của chàng sững sờ khi nghe chàng bỗng nhiên thành sa môn, nàng quay-quắc như thằn-lằn đứt đuôi bởi chàng bỏ mình lừng-lựng. Nàng tìm đến thăm mấy lần song chàng đều tránh mặt, thật là một việc hết sức bí mật. Song bí mật lâu rồi cũng chẳng bí mật gì cả, vì thiên hạ tò-mò họ khám phá cho kỳ được cái lý do chàng bỏ nàng mà đi tu. Cái lý do đó thật giản dị mà ly kỳ, chỉ vì cái hôm chàng rủ bạn đến thăm nàng, gặp bà mẹ vợ giặt áo bên bờ ao thấy tà ta tra mô xấu nấy, chàng bỗng nghĩ ngay đến người vợ chưa cưới của mình, chàng nghĩ rằng: một ngày kia nàng cũng tra mô xấu nấy in như mẹ vợ thì ôi! Buồn ơi là buồn! Vì nàng giống hệt mẹ nàng.
Cũng tưởng tu chơi ai ngờ tu thật. Chàng học thông kinh luật và giữ gìn giới luật tinh nghiêm, trí đức hoàn toàn, tín đồ rất mến phục, chốn thảo am không bao lâu đã trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm thanh tịnh. Chàng mở lớp dạy Đạo và độ người nhiều vô số.
Thắng cảnh hai nơi nay tuy không còn nghiêm lệ như xưa, bởi vì nhiều phen mưa nắng phũ phàng, song hai lịch sử vẫn còn huy hoàng trong lòng nhân thế, mỗi khi được nhắc lại với khách mộ cảnh bốn phương.
Đương kim chủ ngôi chùa Đốn-Ngộ, là một vị Hòa-thượng chừng bảy mươi tuổi. Ngài tu theo lối khổ-hạnh sống nếp sống đạm bạc. Trong chùa có thêm hai chú tiểu nhỏ xíu là tiểu Ngộ 10 tuổi, tiểu Tỉnh 9 tuổi. Sau khi biết Thiếu-Sanh là khách phương xa đến viếng cảnh, Hòa-thượng ân cần mời ở lại một đêm, nhân chiều hôm ấy giữa cơn mưa như trút nước. Và Hòa-thượng còn cho biết nhân tiện ngày mai là ngày dân chúng làm lễ hành hương, nên mời chàng ở lại để lễ Phật và xem cho biết phong tục ở mỗi nơi.
Vẫn một ý niệm tìm người, chàng nghĩ: Biết đâu ngày mai Quốc-cựu Lục-trần lại chẳng đi theo bạn tác lên đây. Chàng cảm tử từ-ân của Hòa-thượng nên vân lời ngay. Ngài dạy tiểu Ngộ sửa soạn liêu bên để khách nghỉ. Sau một cơn mưa to, trăng càng sáng tỏ. Ở đây tuy bụi phồn hoa không có, nhưng trong những kẽ đá cành cây cũng chẳng khỏi vấn vương bẩn nhơ của kiếp đời ngũ trược[10">.Trận mưa đã làm sạch bụi đời nhơ bẩn, phong cảnh thiên nhiên càng linh-động. Hai chú tiểu có cảm tình ngay với khách, điều ấy không lạ, vì cái tuổi trẻ nít tu hành đầu non góc núi đôi khi cũng cảm thấy tịch liêu, nay có khách ở lại mà khách lại là một người dễ mến, nên hai chú tiểu ríu rít bên khách không rời.
Khi Hòa-thượng đi khóa lễ tuổi tối; hai chú tiểu xíu xíu rủ khách ra trước gành đá bên bờ khe ngồi chơi. Khách vốn thích cái tính hồn nhiên của trẻ, lại thêm phong độ của hai chú tiểu làm khách thêm mến, chàng ưng thuận ngay. (^)
Câu chuyện dưới trăng với hai chú tiểu
Mở đầu câu chuyện, khách hỏi:
- Chú là tiểu Ngộ, còn chú là tiểu Tỉnh phải không? Tiểu ngộ là sao hở chú?
- Tiểu Ngộ là mới ngộ xơ xơ, còn tiểu Tỉnh là mới tỉnh hơi hơi, tiểu Ngộ trả lời gọn gàng.
- À hay quá nhỉ nhưng tại sao chú đi tu chú nói cho tôi nghe đi chú tiểu Tỉnh. Tiểu Tỉnh không ngần ngại :
- Nhà em nghèo lắm, cha em làm thuê nhưng không đủ ăn vì đông con, mẹ em thì đau luôn, nên tối nào cha em cũng đi làm thêm một nghề nữa là nghề bắt ếch và chơm cá lóc. Cha em có sắm một cái chơm tối nào lên đèn là cha em ra ruộng hoặc ra đồng bắt ếch và chơm cá, nhất là đêm mưa mới tạnh như đêm nay, em thường bưng đèn soi cho cha em làm việc. Một hôm cha em thò tay vào chơm bắt cá thì đụng nhằm rắn độc. Em chạy về nhà tin, mẹ em ra đưa về qua ngày sau cha em mất.
- Trời ơi ! Tội thế, chú được mấy anh em cả? Thiếu-sanh ngắt lời hỏi.
- Em được năm anh em, hai anh hai chị, tiểu Tỉnh kể tiếp :
Nhờ Hòa-thượng cho tiền chôn cất xong. Đến ngày chung thất cả nhà lên chùa làm lễ, em được ở lại với bà nội em, tối đến Hòa-thượng kể chuyện nhân quả cho bà em nghe: là hại người thì người hại lại, giết vật thì vật giết lại. Đến khuya em theo điệu Ngộ lên chùa thỉnh chuông, điệu tụng bài kệ chuông đến câu “Nguyện thành Phật độ chúng sanh” em thích quá, em cũng ưng thành Phật để độ chúng-sanh mà trong đó có cha em.
- Ồ chú có hiếu quá.
- Rồi em xin mẹ đi tu để sám hối tội lỗi cho cha em, em tu được một năm, sau chú tiểu Ngộ tám tháng.
- Chao ôi chú thật có hiếu, tôi quý chú lắm chú ơi ! Thiếu-sanh vuốt cái vá của tiểu Tỉnh rồi tiếp: và vì vậy mà Hòa-thượng đặt tên chú là Tỉnh hơi hơi đấy à?
Còn chú Ngộ sơ sơ nữa, vì sao chú đi tu chú kể luôn cho tôi nghe đi.
Tiểu Ngộ nhìn khách tủm tỉm cười:
Vì sao em đi tu ấy à? Em nói mà sợ công tử cười em quá:
- Ồ tôi là người trần gian, dù có lớn tuổi hơn các chú nhưng các chú vẫn khôn hơn tôi, nên tôi rất kính trọng các chú đâu có dám cười.
-Sao em khôn hơn công tử được?
- Các chú khôn vì các chú biết tìm con đường tốt đẹp mà đi , còn tôi… Thiếu-sanh đưa mắt nhìn đăm chiêu ra xa, cảnh núi rừng ban đêm ẩn hiện dưới vầng trăng khi tỏ khi mờ, trông có vẻ huyền bí giống như tâm sự của người khách lạ, tiếng róc rách của suối nước như than thở thay cho kẻ tình si.
Chàng tiếp: còn tôi, tôi đang đi trên đường tội lỗi! lên các chú khôn hơn tôi thật đấy. Thôi, chú kể cho tôi nghe tại sao chú đi tu?
- Thế này hí, cái năm em lên bảy tuổi em tên là Cu anh và em có một người em song đôi lên là Cu em. Một hôm gặp ngày ky ông nội em, mẹ em làm cỗ chay linh đình có rước thầy về tụng kinh để cầu siêu cho các tiên linh. Hai đứa em đều là cháu đích tôn, đầu cạo nhẵn trên xoáy thượng mẹ để cho hai đứa em hai chòm tóc tròn như dĩa bánh bèo. Mẹ em may cho hai cái áo rộng lềnh bềnh, khi nào có đại lễ thì chúng em mặc vào, cả hai anh em thích lắm.
Hôm ấy hai anh em mặc áo rộng, cha em bắt lai đứa em đứng hai bên khoanh tay hầu ông nội trong bàn thờ. Trước bàn thờ gia-tiên có thiết bàn Phật, cha em quỳ sớ ở trước, quý thầy tụng Kinh rất đông, mọi người thì đi ra đi vào lăng xăng, hai anh em đứng khoanh tay hoài trong bàn thờ lâu lắm, hai đứa em buồn quá chừng nhìn nhau bắt buồn ngủ.
- Ồ buồn là phải chớ, con nít có chút bẻo mà đứng khoanh tay loài trong bàn thờ không được đi chơi, thì tôi cũng buồn nữa là chú và Cu em.
- Rồi công tư biết Cu em làm chi? Cu em buồn ngủ quá. Chú nhìn vơ nhìn vẩn cho đỡ buồn ngủ, bỗng gặp ngay đã chả rán, Cu em bốc một miếng ăn cho đỡ buồn.
- Trời ơi, chú nói chuyện có thần quá.
- Cu em ăn thử một miếng, chao ơi ! Thơm mô ngon nấy, rồi nó lủm luôn hai miếng.
Trời ơi cái chú này – Thiếu-sanh ngắt lời.
Tiểu Ngộ nói tiếp: khi nhìn ra Cu em không thấy có ai Cu em sửa lại dĩa chả, nhưng sửa hoài cứ xiêng xiêng xẹo xẹo bực mình Cu em làm thẳng cả bốn miếng, thu luôn cái dĩa lưới bàn thờ, và lấy tay áo rộng lau miệng sạch sẽ rồi khoanh tay như cũ. Em thấy Cu em làm vậy em sợ quá hết buồn ngủ, nhưng bắt đầu lo cho Cu em.
- Chú lo sao ạ Cu em đã thu cái dĩa rồi.
- Em lo mạ biết quá, nên em cứ khoanh tay khấn vái ông nội phù hộ cho Cu em khỏi bị đòn. Khi cúng xong chị Ba lên bưng dọn, quý thầy đã về hết, em nghe mạ hỏi dưới nhà:
- Chớ còn dĩa chả rán nữa mô? Em sợ quá chắc thế nào Cu em cũng bị đòn, nên toàn thân đổ mồ hôi như tắm, bỗng mẹ em hét lên dưới bếp.
- Lên kêu hai thằng cu xuống đây.
Lạy Phật, lúc ấy em hết hồn hai đứa em chạy xuống nhưng mẹ em không la mà ôn tồn hỏi:
- Chớ hai đứa con đứng hầu ông nội có thấy ai vô bưng dĩa chả rán không con?
Cu em thưa tỉnh bơ:
- Dạ ông nội xơi hết rồi mạ nờ.
- Trời ơi chú trật!
- Mạ em chúm chím :
- Rứa ông nội có khen chả ngon không con?
- Dạ ông nội khen chả ngon lắm mạ à !
Tối đến khi khách về hết, cha em kêu Cu em lên ông bắt nằm xuống. Cu em sợ quá biết cái việc ăn vụng của mình thì bại lộ.
Cha em quất ruột roi ông đọc một câu:
Quy-y Phật, không được ăn vụng nghe chưa (trót).
Quy-y Pháp, không được nói láo nghe chưa (trót).
Quy y Tăng, không được đổ thừa cho ông nội nì (trót).
- Tuy đập Cu em, em cũng đau điếng cả người, em nghĩ không biết ông còn quy-y ai nữa và nếu ông quy-y như vậy cả đêm thì chắc Cu em chết quá. Em thương Cu em quá, may sao ông buông roi :
Thôi cho đứng dậy vô lạy Phật mà sám hối đi lần sau không được rứa nữa nghe !
Thì ra lúc cha em quỳ dưới bàn Phật, ông lim dim đôi mắt lúc ông hé hé liếc vào bàn thờ thì vừa gặp đúng cái khi Cu em bốc chả bỏ vô miệng.
- Trời ơi, cái chú này kể chuyện đến hay. Thiếu-sanh cầm chặt hai tay tiểu Ngộ và chàng cười ngất. Một cái cười hồn nhiên từ ngày chàng cất bước ra đi, hôm nay mới nở thật tình trên đôi môi đỏ thắm như son. Chàng hỏi tiếp!
Rồi sao nữa chú?
Em thấy Cu em được đứng dậy bất ngờ, em nghĩ em thương Phật quá, vì sao Phật chỉ đặt ra có ba pháp quy-y, nếu Phật đặt ra mười pháp quy-y, chắc Cu em đứng dậy không nổi .
Em thương Phật rồi em ưa đi tu. Em xin cha mẹ nhưng cha mẹ bảo còn nhỏ không cho, năm sau em trốn nhà lên ở với thầy, cha em lên bắt về mấy lần em lại trốn, lần cuối cùng em được ở luôn chùa, em tu được hai năm rồi.
À hay quá, vì thế mà chú ngộ được thì Phật quá ngộ, chú giỏi quá chú ơi, chàng nắm chắc bàn tay tiểu Ngộ, đôi bàn tay mũm-mĩm, hai con mắt điệu sáng ngời long lanh dưới bóng trăng, trông chú tiểu Ngộ dễ yêu làm sao (^)
Những cuộc tình vô duyên
Thiếu-sanh ngủ một giấc ngon lành, lúc tỉnh dậy chàng nghe tiếng tiểu Ngộ kệ chuông lanh lảnh:
Văn chung thanh, phiền não khinh,
Trí tuệ trưởng, bồ đề sanh,
Ly địa ngục, xuất hỏa khanh,
Nguyện thành Phật độ chúng sanh.[11">
Chàng ngồi dậy, ngoảnh nhìn ra xa xuyên qua song cửa liêu, trên chánh điện, ngọn đèn bạch lạp lung-linh giọi hình chú tiểu con
con vào bức tường chập chờn như thật như hư, nhớ sực câu chuyện đầu hôm của hai chú tiểu, bất giác chàng lẩm nhẩm:
Thật nhiệm mầu thay đức Thế-tôn. Bốn chữ “giác hạnh viên mãn” mãi đến hôm nay con mới hiểu đúng cái nghĩa của nó, thì bao nhiêu phương pháp giác tỉnh quần sanh, Ngài đã để lại cho đời hết sức đầy đủ. Một em bé nhờ ba pháp quy-y mà ngộ đạo, một em bé lên tám, nghe một câu kệ mà giác tỉnh. Cảm đức cao dầy của Phật, hai trẻ đã từ giã cuộc đời trứng nước, rời khỏi đôi bàn tay trìu mến của mẹ cha, để dấn thân vào nơi đầu non góc núi ăn không đủ, ngủ không no. Làm được cái việc
như vậy thật là bậc đại trượng phu: Song nếu không nhờ duyên đời trước thì sao mà liễu ngộ được dễ dàng thế! Chạnh nghĩ thân thế mình, hàng thở dài: “phi túc duyên vô dĩ tâm”[12"> tại sao ta biết mình đang dấn thân trên đường tội lỗi mà ta cứ đi, thật là mâu thuẫn. Ôi! mâu thuẫn chính cả với mình, ta đi đâu? Vì ai?
Đầu hôm Hòa-thượng đã cho biết cuộc lễ hành hương này hằng năm dân địa-phương tổ- chức, tất cả mọi công việc đều có ban tổ-chức sắp đặt, nên tuy có lễ lạc linh đình, hai chú tiểu nhỏ vẫn giữ việc thường trong chùa mà thôi .
...